Doanh nghiệp trong KKT Cầu Treo “kêu trời” vì thủ tục xuất nhập khẩu

Quyết định 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành khu phi thuế quan. Quyết định ra đời, các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn đều phấn khởi bởi được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là được miễn một số khoản thuế. Thế nhưng, do thiếu đồng bộ giữa các chính sách cụ thể và sự phối hợp của các cơ quan nên đã xảy ra sự thất thu vô lý và nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp trong quá trình xuất - nhập hàng hóa giữa KKT và nội địa, khiến các DN sản xuất trong KKT gặp nhiều khó khăn.

Sau khi Quyết định 162 được ban hành, các DN trong KKT hy vọng sẽ mở ra một hướng làm ăn mới bởi những chính sách ưu đãi. Cũng như một số DN khác, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn đã bàn bạc, vay vốn đầu tư xây dựng một số dự án, trong đó đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng Dây chuyền sản xuất Gạch Tuynel nhằm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của Công ty và con em trong vùng, tăng thu nhập cho đơn vị và phục vụ vật liệu cho nhu cầu xây dựng. Trước đây, sản phẩm của Công ty sản xuất ra đều có thể tiêu thụ bất kể thị trường nào trong nội địa, miễn là nộp thuế đầy đủ theo quy định. Thế nhưng, tháng 4/2010, khi Công ty có sản phẩm gạch ra lò, muốn bán vào nội địa thì phải làm thủ tục xuất khẩu; bên mua hàng cũng phải mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu. Theo quy định, muốn mở được tờ khai, phía mua hàng phải có giấy đăng ký kinh doanh, mã số thuế, phải có người trực tiếp làm thủ tục hoặc có giấy ủy quyền cho người đại diện đến hải quan Cổng B KKT làm thủ tục.

Doanh nghiệp trong KKT Cầu Treo dù chỉ bán hàng trong nội địa vẫn phải làm thủ tục xuất khẩu
Doanh nghiệp trong KKT Cầu Treo dù chỉ bán hàng trong nội địa vẫn phải làm thủ tục xuất khẩu

Về chính sách thuế, hiện tại Công ty mua hàng hóa dịch vụ đầu tư vào KKT, khi viết hóa đơn bán hàng, đối tác yêu cầu phải ghi hóa đơn có thuế VAT. Trong khi đó, KKT là khu vực miễn thuế VAT nên DN không được khấu trừ 10% theo quy định. Và giả sử, nếu không ghi thuế VAT thì cũng phải đến Cổng B làm thủ tục hải quan, rất phiền hà, dẫn đến rất nhiều đối tác không dám bán vào KKT Cầu Treo. Ngược lại, khi các DN trong KKT muốn bán hàng vào nội địa, khách hàng yêu cầu phải ghi hóa đơn có thuế VAT, nếu không thì họ không mua vì cho rằng ở trong nội địa họ được khấu trừ thuế VAT. Và, dĩ nhiên, để bán được hàng vào nội địa, DN phải bán thấp hơn 10% để khách hàng hạch toán vào khấu trừ...

Ông Hồ Phúc Đồng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn nói: “Mặc dù tại Điểm 2 Điều 8 Quyết định 162 đã có cơ chế thông thoáng cho các DN trong KKT nhưng trong quá trình thực hiện thiếu thống nhất đã gây thêm phiền phức cho các DN hoạt động sản xuất, chế biến trong KKT Cầu Treo. DN không những không được miễn thuế mà còn phải mất 10% thuế VAT và mất cả thành tích nộp thuế với Nhà nước. Trong khi đó, khi chúng tôi nhập than để sản xuất gạch thì lại bị đánh thuế than “xuất khẩu”. Một tấn than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam bán ra thị trường nội địa hiện có giá 1,45 triệu đồng, trong khi vì phải chịu thuế xuất khẩu nên khi trừ các khoản ưu đãi của Quyết định 162, chúng tôi vẫn phải mua với giá 115 USD (tương đương trên 2,2 triệu đồng). Mỗi tháng, Nhà máy gạch của chúng tôi sử dụng hết 30 tấn than, mất đứt hàng chục triệu đồng. Từ những vướng mắc trên, đến nay các DN trong KKT Cầu Treo như: Công ty Lâm nghiệp – Dịch vụ Hương Sơn, Nước khoáng Sơn Kim, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn… không những không được hưởng chính sách miễn thuế mà còn phải chịu 10% thuế VAT. Và cũng do vậy nên đến nay, chỉ riêng Công ty Lâm nghiệp – Dịch vụ Hương Sơn, khách hàng còn nợ đơn vị trên 2 tỷ đồng do không giải quyết được vấn đề ghi hóa đơn…”.

Điểm 2 Điều 8 Quyết định 162 ghi rõ: “Hàng nông sản do dân cư sản xuất trong KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và hàng hóa được sản xuất, chế biến tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nếu không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam được miễn làm thủ tục hải quan”. Thế nhưng, không hiểu vì sao, trên thực tế, các DN trong KKT bán hàng vào nội địa vẫn cứ phải làm thủ tục hải quan!

Chúng tôi là con dân Việt Nam, sống và làm việc trên đất Việt Nam, sản xuất ra những sản phẩm thuần túy của Việt Nam, bán cho những người dân Việt Nam và đặc biệt: Điểm 2 Điều 8 Quyết định 162 cũng đã chỉ rõ là được miễn làm thủ tục hải quan thì hà cớ gì cứ bắt chúng tôi phải làm thủ tục xuất nhập khẩu?!” - ông Hồ Phúc Đồng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn bức xúc.

Ông Hồ Phúc Đồng cho biết thêm: “Những thủ tục vô lý trên đã gây nhiều phiền toái cho DN và khách hàng. Những khách hàng nội địa ngoài KKT muốn mua một xe gạch hay dăm trăm cây keo giống của chúng tôi thì cũng phải mở tờ khai hải quan để “nhập khẩu”. Mà khốn nỗi, theo quy định, muốn mở tờ khai thì phải có đăng ký kinh doanh, mã số thuế… Trong khi đó, nông dân lấy đâu ra mã số thuế và đăng ký kinh doanh! Chúng tôi đã quá mệt mỏi về các thủ tục này. Ưu đãi đâu chẳng biết mà chỉ thấy toàn phiền toái, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Hiện, Công ty đang tồn kho gần 4 triệu viên gạch và hàng chục triệu cây giống. Ông Đồng còn cho biết, nếu thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định 162 thì cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra, còn khi các DN trong KKT nhập hàng hóa, dịch vụ từ nội địa vào thì vẫn không được chiết khấu 10% VAT như các doanh nghiệp nội địa. Đây là vấn đề cần được tháo gỡ để thu hút đầu tư vào KKT.

Công ty CP Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim cũng đang đau đầu về vấn đề này. Ông Võ Văn Hiệp - Giám đốc Công ty, nói: “Chúng tôi sản xuất nước khoáng (là hàng thuần túy Việt Nam) trong KKT nhưng kho hàng lại nằm ở nội địa và bán ở thị trường nội địa. Vì vậy, phải làm thủ tục hải quan thì rất vô lý và rất phiền phức. Ngoài ra, chúng tôi còn phải mất thêm những kinh phí không đáng có, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh về giá...”.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đình Lục – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi hết sức chia sẻ với các DN trong KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp tham mưu, đề xuất với tỉnh cho các DN được nộp thuế trực tiếp với ngành thuế mà không cần làm thủ tục hải quan như tinh thần Điểm 2, Điều 8 Quyết định 162 quy định”.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, BQL KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và các sở, ban, ngành liên quan cần làm việc với bộ, ngành trung ương và sớm ban hành danh mục các mặt hàng được miễn làm thủ tục hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong KKT, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy KKT Cầu Treo phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast