Bài 1: Báo Hà Tĩnh phản ánh không sai sự thật!

(Baohatinh.vn) - Chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị của một số cựu chiến binh ở Hương Khê về việc vừa qua Báo Hà Tĩnh có bài viết “Hương Khê “nóng” chuyện đất rừng” phản ánh thực trạng lấn chiếm rừng không đúng sự thật, chưa khách quan, nhất là tại tiểu khu 192 (thuộc xã Hòa Hải). Với tinh thần cầu thị, chúng tôi đã xác minh, làm rõ các nội dung bạn đọc phản ánh và mở rộng thêm một số vấn đề cùng quan tâm...

Viết tiếp bài “Hương Khê “nóng” chuyện đất rừng”

>> Hương Khê "nóng" chuyện đất rừng (Bài 1): Lấn chiếm khắp nơi

>> Hương Khê "nóng" chuyện đất rừng (Bài 2): Cần những giải pháp mạnh!

Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với các cựu chiến binh làm đơn kiến nghị.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với các cựu chiến binh làm đơn kiến nghị.

Trong đơn kiến nghị và trong buổi làm việc trực tiếp với chúng tôi, các cựu chiến binh tham gia gửi đơn khẳng định ở Hương Khê không có hiện tượng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép. Việc phóng viên có bài viết thứ nhất phản ánh “Lấn chiếm khắp nơi” là sai sự thật nên bài viết thứ hai “Cần những giải pháp mạnh” là không cần thiết. Tuy nhiên, qua quá trình xác minh và làm việc với các cơ quan chức năng, chúng tôi thấy, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép ở Hương Khê diễn ra khá nhiều nơi, các số liệu được đăng tải đều đúng với hồ sơ, tài liệu tác giả được thu thập tại thời điểm đó.

Điều này đã được thể hiện rõ qua lời khẳng định của ông Ngô Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê trong buổi làm việc với chúng tôi: “Việc một số hộ dân sống gần rừng tự ý sẻ phát, chiếm dụng đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn là có thật và chủ yếu là nằm trên diện tích do các chủ rừng nhà nước quản lý như Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tiêm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chúc A, Vườn quốc gia Vũ Quang và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung xử lý nhưng đây là vấn đề khó giải quyết nên cần phải có thời gian...”.

Quá trình đi tìm hiểu thực trạng chặt phá, xâm lấn rừng trái phép trên địa bàn huyện Hương Khê, chúng tôi cũng đã từng được chứng kiến một số người dân trên địa bàn xã Hương Trạch phản ứng khá gay gắt: Thực trạng sẻ phát rừng để trồng keo trái phép chúng tôi đã rất nhiều lần phản ánh, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng không được xem xét, xử lý, gần như chưa được các cơ quan chức năng coi trọng và tập trung giải quyết. Nếu thực trạng cứ tiếp diễn thì sắp tới rừng Hương Trạch nói riêng và Hương Khê nói chung sẽ bị phát trắng, kể cả diện tích rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu. Người dân trên địa bàn mong các cấp, ngành ngăn chặn triệt để nhằm trả lại rừng cho chính chủ, hạn chế các vụ việc tranh chấp có thể xẩy ra và lập lại kỷ cương phép nước...

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Hương Khê đến cuối năm 2013, diện tích bị sẻ phát, lấn chiếm trên địa bàn là 522,8 ha, trong đó có 499,4 ha thuộc sự quản lý của các chủ rừng nhà nước, còn lại do UBND các xã quản lý. Đến giữa tháng 5 năm nay, số diện tích bị sẻ phát, lấn chiếm đã tăng lên 674,33 ha trên địa bàn 14 xã, trong đó gần 191,49 ha là rừng nghèo kiệt và nghèo, 482,84 ha là đất chưa có rừng...

Rừng của Công ty Cao su bị lấn chiếm ở Hòa Hải
Rừng của Công ty Cao su bị lấn chiếm ở Hòa Hải

Trở lại tiểu khu 192 ở xã Hòa Hải, chúng tôi được biết, vào năm 2010, xã bắt đầu thực hiện chủ trương đưa cây cao su vào địa bàn, trong đó trước mắt làm cao su đại điền để tạo tiền đề phát triển cao su tiểu điền. Khi họp bàn lấy ý kiến nhân dân, tất cả các xóm khác đều nhất trí, trừ người dân hai xóm ven rừng 16 và 17 (nay là xóm 11) không đồng thuận. Họ cho rằng, đưa cây cao su vào sẽ không có nơi chăn thả trâu bò, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, nhân dân đang thiếu tư liệu sản xuất, doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho lao động địa phương...

Tuy nhiên, chính quyền xã Hòa Hải đã không báo cáo rõ vụ việc lên cấp trên mà làm tờ trình đề nghị cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê thuê 324,5 ha đất để phát triển cao su đại điền và chuyển đổi 193,2 ha khác để giao cho nhân dân làm cao su tiểu điền. Sau khi có quyết định giao đất, bàn giao thực địa của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp thông báo triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại tiểu khu 192 thì có 4 công dân xóm 11 vào cản trở không cho tác nghiệp. Đến nay đã 18 tháng trôi qua, các cấp, ngành cũng đã vào cuộc xử lý bằng 15 cuộc họp, 18 văn bản kết luận, chỉ đạo nhưng vụ việc vẫn không được xử lý dứt điểm và tiếp tục phát sinh theo xu hướng ngày càng phức tạp hơn. Theo báo cáo của xã Hòa Hải thì hiện đã có tới 60 hộ tham gia lấn chiếm với diện tích tăng lên trên 170 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại...

Như vậy, Báo Hà Tĩnh đã phản ánh không sai sự thật, đất rừng ở Hương Khê bị lấn chiếm, sẻ phát trái phép là không thể chối cãi. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian, việc thu thập thông tin, tài liệu phục vụ các bài viết tại thời điểm đăng tải còn hạn chế nên tác giả chưa thể phản ánh đầy đủ các nội dung mà bạn đọc mong muốn. Do vậy, các cựu chiến binh cho rằng, tác giả bài báo thiếu khách quan khi không phản ánh được đầy đủ bức tranh, nguyên nhân của sự việc, chưa đứng về phía người dân và đảm bảo quyền lợi cho họ. Điều này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài viết sau...

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Cần xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Võ Xuân Hoa

Ông Võ Xuân Hoa ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) phản ánh đến Báo Hà Tĩnh việc ông bị người khác tranh chấp thửa đất của gia đình dẫn đến không làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua xác minh, chúng tôi nhận thấy nội dung phản ánh ông Hoa hoàn toàn có căn cứ, cần được quan tâm giải quyết.
Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.