Âu thuyền phường Kỳ Phương vào khoảng 6h30’ sáng, những ngư dân bắt đầu với công việc thường ngày, thu cá lên bờ, phân loại và cân sản lượng thu được sau chuyến ra biển. Đều đặn, ngày lại ngày, từ hôm biển xảy ra biến cố, ông Mai Ngọc Tình (thôn Ba Đồng) vẫn không ngày nào nghỉ biển.
Ngư dân phường Kỳ Phương đã ra khơi đánh bắt dù sản lượng giảm nhiều so với trước. (Ảnh: Duy Tuấn - VNN) |
Ông Tình cho biết: “Ngư dân chỉ sống bằng nghề biển, dù sản lượng cá giảm nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải bám biển. Mấy ngày trước, ở vùng đánh bắt, nước biển đục ngầu, nổi từng đám nhiều màu, còn bây giờ, nước biển đã trong hơn, xác cá chết nổi trên mặt nước cũng không còn nhiều nữa”. Cùng tâm tư, gia đình chị Nguyễn Thị Thơ vẫn duy trì công việc của mình.
Chị cho biết: “Đây là mùa sinh sản của cá, để thuyền nằm bờ thì nóng ruột lắm. Mấy ngày nay theo dõi thấy xác cá không còn trôi dạt vào bờ nên chúng tôi cho thuyền ra khơi, tranh thủ vớt vát chút ít. Chỉ có điều, loại cá cho sản lượng lớn gần như không còn trong khi thị trường khó khăn sẽ gây áp lực lớn cho đời sống ngư dân”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì gia đình chị Thơ hay ông Tình mà có rất nhiều bà con ngư dân ven biển huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh sau những ngày “gom lưới gác thuyền” thì nay cũng đã quay lại bám biển, khôi phục sản xuất.
Thuyền trở về từ biển |
Khảo sát vùng biển kéo dài từ Kỳ Lợi, Kỳ Phương vào tận xã Kỳ Nam, bờ biển đã được vệ sinh khá sạch sẽ, chỉ còn sót lại vài xác cá mắc vào các khe đá ven bờ. Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Qua kiểm tra, hiện tượng cá chết hàng loạt không còn nữa. Những xác cá còn kẹt lại trên bờ đã chết cách đây 4-5 ngày. Trên tôm nuôi, chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm mẫu tôm sử dụng nước biển trực tiếp thì đến nay tôm vẫn sinh trưởng bình thường. Sơ bộ ban đầu có thể khẳng định, độc tố trong môi trường nước biển đã giảm so với những ngày trước. Chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật thông tin từ ngành chuyên môn để kịp thời có khuyến cáo giúp bà con sớm ổn định, khôi phục sản xuất”.
Tại Công ty Grobest Hà Tĩnh, vào ngày 9/4, sau khi lấy nước biển cấp vào 2 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng thì ngay hôm sau toàn bộ số tôm trong ao bị chết trắng. Công ty buộc phải đóng cống, nuôi cầm chừng các ao còn lại. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Grobest Hà Tĩnh cho biết: “Sáng 24/4, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm trên 4 mẫu tôm (loại to và loại nhỏ) vào 2 mẫu nước ao và nước biển (1 nước biển trực tiếp và 1 thùng là nước biển qua xử lý), sau 1 ngày cho thấy, các mẫu vẫn bình thường. Đêm 25/4, chúng tôi tiến hành bơm thử nước biển vào một hồ nuôi để kiểm chứng”.
Chị Nguyễn Thị Thơ (Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh): Đây là mùa sinh sản của cá, để thuyền nằm bờ thì nóng ruột lắm. Mấy ngày nay theo dõi thấy xác cá không còn trôi dạt vào bờ nên chúng tôi cho thuyền ra khơi |
Ở các vùng biển khác, gần như những biến cố trên biển không làm giảm năng suất lao động của ngư dân. Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Những ngày qua, ngư dân vẫn bám biển bình thường. Chỉ có điều, thay vì khai thác gần bờ như trước thì tàu thuyền phải ra xa hơn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, sản lượng khai thác giảm nhiều, khoảng từ 3-4 lần”.
Còn ông Nguyễn Văn Vịnh - chủ tàu cá ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) thì lại khác. Thay vì ra khơi khai thác như mọi hôm, đợt này, ông lại đi lộng. Ông Vịnh vui vẻ: “Đợt này đang mùa mực, mỗi ngày, chúng tôi câu được từ 50-60 kg, giá bán cũng ổn định. Bình thường, tàu tôi có 5 nhân công nhưng đợt này phải tăng lên 8”.
Gạt đi những khó khăn, mất mát, bà con ngư dân các vùng biển đang nỗ lực từng ngày để khôi phục sản xuất, bám biển quê hương. Những khó khăn trước mắt vẫn chưa kết thúc, nhất là tâm lý e dè thực phẩm từ biển đang làm thị trường thủy, hải sản bị ứ đọng.