Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá: Thông tin phải đi trước một bước!

Hơn 2 tháng đầu năm 2013, hình thái thời tiết chỉ mới xuất hiện 1 cơn bão nhỏ, 1 đợt áp thấp nhẹ, một số đợt gió mùa nhưng hoạt động tàu cá trên vùng biển Hà Tĩnh đã ghi nhận 3 vụ tai nạn, làm 1 người chết. Nếu gộp với 5 vụ tai nạn xảy ra trong năm 2012 thì đó là những con số đáng kể, cần suy nghĩ và đặt ra câu hỏi với những người trong cuộc…

Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi mưa bão xảy đến
Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi mưa bão xảy đến

Điều gây ngạc nhiên khi lật lại những vụ tai nạn đáng tiếc trong năm 2012 và hơn 2 tháng đầu năm 2013 là phần lớn các vụ việc này thường không trùng vào những thời điểm có mưa to, bão lớn mà lại nằm ở sự bất cẩn trong khi đánh bắt của ngư dân hay do phương tiện không bảo đảm an toàn dẫn tới bị chết máy trên biển. Trong số này, có cả tàu cá trên địa bàn và một số tàu tỉnh bạn khai thác trên vùng biển Hà Tĩnh.

Theo Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển - BCH PCLB tỉnh (cơ quan thường trực là Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh), xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCLB-TKCN của tỉnh, hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Bộ đội biên phòng, các địa phương ven biển, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phát tờ rơi cho hơn 1.300 lượt ngư dân và cán bộ phụ trách thủy sản các huyện, xã về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển, các kiến thức cơ bản về bão, cách phòng tránh và xử lý khi gặp nạn, phương pháp neo đậu khi tàu vào bờ.

Trong năm 2012, Tiểu ban An toàn nghề cá đã phát 700 phao tròn cứu sinh, 5 phao bè, 9 nhà bạt các loại cho ngư dân; tổ chức đào tạo cho 483 thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên; đây mới chỉ là những con số khiêm tốn nhưng đã góp phần tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, quan trọng hơn là nâng cao ý thức về trang bị phòng chống tai nạn trên biển cho ngư dân.

Tuy nhiên, do chủ quan nên một số chủ tàu cá, thuyền trưởng chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị như: thiếu trang bị máy thông tin liên lạc, phao cứu sinh. Ngoài ra, không thể phủ nhận việc cập nhật, trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng trên đất liền và tàu cá còn hạn chế do thiết bị thông tin liên lạc còn thiếu, chưa đồng bộ; tàu cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu khi cần thiết, phương tiện đi lại phục vụ công tác chỉ đạo khi có bão còn thiếu…

Rút kinh nghiệm từ công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển trong năm 2012 vừa qua và để chuẩn bị cho nhiệm vụ năm 2013 này, Tiểu ban An toàn nghề cá đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân do thiên tai, bão lụt gây ra, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Theo đó, cùng với kiện toàn tổ chức, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập, Tiểu ban tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, hướng dẫn thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đặc biệt là thành lập các Tổ khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ nhau trong sản xuất cũng như kịp thời ứng cứu khi tai nạn.

Cùng đó, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm đếm phương tiện, thuyền viên trước mùa mưa bão để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu cá sát thực tế; phát huy mạng lưới thông tin liên lạc giữa các cấp, ngành, UBND các xã ven biển, nhất là phát huy 4 máy ICOM đã trang bị cho 4 xã vùng cửa lạch và 2 máy ICOM tại Chi cục KT&BVNL thủy sản tỉnh; lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc Dự án Movimar cho 5 tàu cá xa bờ trên toàn tỉnh; xây dựng danh bạ điện thoại tàu cá, thường xuyên cập nhật thông tin về số điện thoại, vùng hoạt động của tàu cá đến thôn trưởng và các hộ ngư dân, các chủ cơ sở dịch vụ thủy sản để kịp thời nắm bắt thông tin; thống kê địa chỉ các đơn vị quản lý tàu cá, tìm kiếm cứu nạn trên toàn quốc và thông báo cho ngư dân biết để kêu gọi cứu nạn khi cần thiết…

Thực tiễn hoạt động khai thác thủy sản trên biển những năm qua cho thấy, chỉ cần một vài sự cố nhỏ về phương tiện, thiết bị hay thiếu chính xác trong nắm bắt thông tin thời tiết cũng như nhất thời chủ quan trong quá trình đánh bắt đều có nguy cơ xảy ra tai nạn mà hậu quả thường rất nặng nề.

Để chủ trương "vươn khơi bám biển làm giàu, góp phần đảm bảo chủ quyền biển, đảo quê hương" ngày càng được phát huy thì việc bảo toàn về người và phương tiện đánh bắt của ngư dân cần được chú trọng, trong đó vấn đề thông tin liên lạc phải đi trước một bước. Và, hơn ai hết, mỗi ngư dân phải nhận thức ra vấn đề trong việc đầu tư trang, thiết bị máy móc để thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để trước là chủ động phòng, tránh cho tàu cá của mình, sau là chỗ dựa cho các đội viên trong tổ, đội hợp tác sản xuất của mình vì một nghề cá phát triển bền vững và an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast