Hàng giả, hàng nhái và trách nhiệm của người tiêu dùng

“Cà phê chỉ làm từ cà phê” – quảng cáo của Vinacafe nghe hoài mà vẫn thấy là lạ, và thấy tội tội thế nào. Cà phê chẳng làm từ cà phê thì làm bằng cái gì? Nhưng hoá ra không phải vậy...

Trong thời buổi kinh doanh bát nháo này, cà phê còn được làm từ đậu nành, cùi bắp rang cháy tẩm hoá chất nữa! Và rượu quê, cũng không chắc gì từ nếp, từ men mà cũng có thể là từ nước lã pha cồn công nghiệp và hương liệu, nước ngọt cũng có thể có công thức = nước lã + màu + đường hoá học! Cho nên, những nhà kinh doanh chân chính mới phải la lên như vậy (trong chuyện này, cũng không loại trừ được có thể cả những nhà kinh doanh giả vờ chân chính cũng nhân cơ hội la lên để quảng bá cho sản phẩm của mình).

Có lúc, chính "thượng đế" lại cổ súy tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái len lỏi quấy nhiễu thị trường
Có lúc, chính "thượng đế" lại cổ súy tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái len lỏi quấy nhiễu thị trường

Có thể thấy trên thị trường, tình trạng hàng giả đang hoành hành, lấn át hàng thật, mang lại hệ luỵ không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, túi tiền của người tiêu dùng đang là một thực tế hiện hữu mà như một quan chức của Cục quản lý thị trường - Bộ thương mại đã đánh giá một cách bức xúc là “Phổ biến, phức tạp, nghiêm trọng, gia tăng”. Hầu như mặt hàng nào, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi, từ mỹ phẩm, dược phẩm đến thực phẩm, xăng, ga... đều có thể bị làm giả. Đối với các doanh nghiệp, gần như tất cả các loại hàng hoá họ sản xuất đều chỉ tồn tại được một thời gian, sau đó thì bị làm giả, làm nhái tràn lan.

Tại sao vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng lại có đất sống, tồn tại một cách phổ biến và nghiêm trọng như vậy? Trong câu trả lời hoá ra lại có một phần trách nhiệm của chính người tiêu dùng, những “thượng đế” đang dùng tiền thật nhưng những thứ mà họ mua được lại là hàng gian, hàng giả.

Việc các “thượng đế” mua phải hàng giả do không phân biệt nổi đâu là hàng thật, đâu là hàng giả (vì nó được làm giả quá tinh vi) thì đã là chuyện đương nhiên, nhưng cũng không hiếm khi người tiêu dùng biết đó là hàng giả mà vẫn mua, đơn giản là vì nó quá rẻ (!). Một cái mũ bảo hiểm chính hãng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật có giá mấy trăm ngàn đồng, trong khi đó chiếc mũ bảo hiểm giả(còn được gọi né tránh là mũ thời trang) giá chỉ mấy chục ngàn đồng, mà vẻ ngoài lại đẹp, thế là chấp nhận vì “một cái thật có thể mua được tới 3, 4 cái giả” mà không nghĩ là mình đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi hàng giả ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

Hãy là người tiêu dùng thông thái để góp phần triệt tiêu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Hãy là người tiêu dùng thông thái để góp phần triệt tiêu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Ngay cả khi vì nhầm lẫn mà mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, bị thiệt hại rồi, ấm ức thật, nhưng rồi các “thượng đế” lại cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì ngại kiện tụng, vừa mất thời gian, tiền bạc vừa phiền phức... hoặc giả có người muốn kiện nhưng vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên họ cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Việc kiện tụng còn gặp phải khó khăn do thói quen mua bán theo kiểu “tiền trao - cháo múc”, mua bán xong là xong, người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu người bán xuất hoá đơn, chứng từ chứng minh cho quá trình giao dịch, do đó, khi “có chuyện" họ cũng chỉ biết rút kinh nghiệm vì không có cơ sở để “bắt đền” hay kiện tụng, thế nên, hàng giả càng được đà tung hoành.

Cả nước có tới 5 lực lượng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hiện nay vẫn chưa thấm tháp vào đâu, trong khi các thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, tràn ngập. Trong cuộc đấu tranh này, quan trọng hơn cả vẫn là người tiêu dùng, hãy “nói không với hàng giả, hàng nhái”. Nếu không có người mua thì hàng giả, hàng nhái bán cho ai?

Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi thiết thực của mình mà còn góp phần chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Những ngày mua bán cao điểm trong dịp Tết nguyên đán đã cận kề, đây cũng là thời điểm mà các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi và khuynh đảo thị trường. Hơn lúc nào hết, hãy là một người tiêu dùng thông thái và có trách nhiệm, đó là việc làm thiết thực để bạn góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường của đất nước phát triển lành mạnh, góp phần để ngày xuân trên quê hương thêm đầm ấm, yên bình.

Viện KSND tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast