Thực phẩm sau bão: Nguồn cung “khan”, giá tăng nhẹ!

Bắt đầu rục rịch tăng nhẹ từ trung tuần tháng 9 do mưa kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì sau bão số 10, nhiều loại thực phẩm ở chợ dân sinh tiếp tục tăng giá nhẹ, nhất là mặt hàng rau, củ, thực phẩm...

Thịt ổn định giá, cá tăng nhẹ…

Trưa 1/10, đã gần đến giờ “cao điểm”, tại chợ Bắc Hà (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), cảnh mua bán diễn ra khá thưa thớt. Sau ngày bão đổ bộ, nguồn cung bị gián đoạn khiến cho nhiều tư thương chưa trở lại mở hàng. Riêng các quầy thịt lợn, thịt bò, hàng vẫn được bày bán như bình thường.

Mặt hàng thịt cơ bản ổn định
Mặt hàng thịt cơ bản ổn định

Theo những tiểu thương ở đây thì may mắn là mưa bão chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ vào buổi chiều tối nên cơ bản không ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị nguồn hàng. Vì, bình thường gia súc, gia cầm được nhốt trước ngày giết mổ và hàng phân bổ về các chợ dân sinh vào sáng sớm. Chị Thủy, chủ quầy hàng bán thịt cho biết: “Giá thịt bò, thịt lợn vẫn ổn định. Tùy theo từng loại, giá thịt bò thăn 220 nghìn đồng/kg; thịt lợn mông 110 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ 90 nghìn đồng/kg… Tuy nhiên, hàng vẫn ế ẩm, sức mua của người tiêu dùng giảm hẳn so với ngày bình thường”.

Ngược lại với sự phong phú của cửa hàng bán thịt thì mặt hàng cá biển gần như vắng bóng. Nhiều sạp bán đành úp bàn nghỉ bán vì nhiều ngày qua tàu không thể ra khơi. Không có cá tươi, chỉ có một số loại cá thu, nục, cam được bảo quản đông lạnh từ mấy ngày trước được đưa ra chợ bán sau ngày bão hoành hành. Khan hiếm hàng, tư thương đã tự đẩy giá tăng lên 10-15% tùy loại so với ngày bình thường. Đó là lý do mà người tiêu dùng “đổ xô” vào các “thúng, mẹt” cá đồng. Nào là ếch, lươn, tràu, diếc, rô… đủ các loại được mời chào nhiệt tình. Phiên chợ ngày bão, không chỉ có tư thương quen thuộc, bà con vùng nông thôn cũng tranh thủ được mấy mớ cá tươi đem lên chợ sớm. Thúng, mẹt được sắp dài cả dãy, vì thế mà giá cũng không mấy ổn định, có nơi vẫn giữ nguyên giá như trước bão, cũng có nơi hét giá “trên trời”.

Bà Lê Thị Thiều (phường Nguyễn Du) cho biết: “Đánh vào tâm lý không muốn mua hàng đông lạnh nên nhiều người “thách” giá rất cao. Tôi mua 10 con cá rô này mà 35.000 đồng, giá này còn vừa phải”. Theo nhiều người mua hàng thì cá rô, lươn, ếch là các mặt hàng “đắt giá” nhất trong phiên chợ sau bão.

Khan hiếm mặt hàng rau, củ

Vào những ngày bình thường, tại vùng tập kết hàng rau, củ của chợ TP Hà Tĩnh tấp nập xe vào ra từ tờ mờ sáng. Thứ trong Nam, ngoài Bắc và cả vùng sản xuất ven đô cũng đưa hàng về chợ đầu mối này nhập hàng. Những ngày mưa lớn kéo dài chưa dứt thì bão số 10 đổ bộ khiến cho việc lưu thông hàng hóa rau, củ trở nên ách tắc. Trong khi đó, mặt hàng rau, củ của chợ chủ yếu tiêu thụ của các vùng từ Nghệ An trở ra nên nguồn cung khan hiếm. Còn nguồn sản xuất tại chỗ thì gần như trắng tay sau những ngày mưa bão tàn phá.

Mặt hàng rau, củ trở nên khan hiếm ở các chợ sau bão.
Mặt hàng rau, củ trở nên khan hiếm ở các chợ sau bão.

Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ kinh doanh rau cho biết: “Hàng của tôi chủ yếu lấy từ Quỳnh Lưu (Nghệ An), mấy ngày nay hàng nhập từ xe như phân phối vậy mà cũng không đủ loại. Tôi phải mua thêm hàng lẻ của vùng sản xuất địa phương nhưng cũng rất khó vì bão đánh tan cả rồi. Nhiều mặt hàng nhập vào cao hơn trước, tôi cũng không dám tăng thêm vì sợ không bán được”. Theo quan sát, loại rau tăng mạnh nhất là xà lách, từ 30 nghìn lên 40 nghìn đồng/kg; rau gia vị tăng từ 1.000 lên 2.000 đồng/bó; rau cải từ 5.000 lên 8.000 đồng/bó; rau muống 4.000 lên 6.000 đồng/bó… Giá này còn “nhảy múa” hơn nữa ở các chợ cóc và hàng bán rong.

Mưa vẫn kéo dài, các vùng rau địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thể khôi phục lại sản xuất. Điều này đang khiến cho giá mặt hàng này chưa “giảm nhiệt” trong vài ngày tới. Đây là lúc thị trường cần một “trọng tài” nghiêm minh để theo dõi, quản lý giá theo niêm yết, góp phần bình ổn thị trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast