Tàu giã cào "tận diệt" hải sản: Tàu nhỏ nằm bờ, ngư dân tìm đường xuất khẩu lao động

(Baohatinh.vn) - Trước nạn giã cào “tận diệt” hải sản, nhiều người dân Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển đổi tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ hoặc xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập.

Đến Cẩm Lộc, hỏi ngư dân về chuyện đánh bắt, hầu hết đều bày tỏ bức xúc trước nạn giã cào “tận diệt” hải sản trên vùng biển địa phương.

Tàu giã cào “tận diệt” hải sản: Tàu nhỏ nằm bờ, ngư dân tìm đường xuất khẩu lao động

Nhiều thuyền nhỏ đánh bắt trong lộng của ngư dân Cẩm Lộc phải nằm bờ

Ông Lê Văn Đông (50 tuổi) ở thôn Lộc Thủy nói: “Giờ mà đi lộng như trước đây bấp bênh lắm vì nạn giã cào “tận diệt” hết hải sản rồi. Nhiều người buộc phải chuyển nghề để kiếm sống. Tui thì quen bám biển rồi nên cố gắng đầu tư tàu công suất lớn hơn để đánh bắt xa bờ”.

Ông Đông kể, trước đây, nghề đi lộng thu hút khá đông ngư dân, mỗi ngày, mỗi người thu được khoảng 200 - 500 ngàn đồng. Giờ đánh xa khơi, phải đầu tư lớn hơn, đi dài ngày hơn, thu nhập cũng cao hơn (khoảng 1 triệu đồng/ngày) nhưng số người tham gia lại ít hơn…

Cũng như ông Đông, nhiều ngư dân ở xã Cẩm Lộc đã chuyển đổi tàu thuyền có công suất lớn để ra khơi đánh bắt.

Tàu giã cào “tận diệt” hải sản: Tàu nhỏ nằm bờ, ngư dân tìm đường xuất khẩu lao động

Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ chuyển đổi tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển

Anh Lê Văn Phú (thôn Trung Hà) chia sẻ: “Đánh bắt gần bờ không hiệu quả nữa thì buộc mình phải tìm hướng đi mới. Nhiều người đi nước ngoài, chuyển đổi nghề này nghề nọ nhưng chúng tôi quen với nghề biển rồi. Hơn nữa, Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích ngư dân chuyển đổi tàu có công suất lớn nên chúng tôi tranh thủ cơ hội này. Tàu của tôi có công suất 1.090 CV với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước cho vay 1,1 tỷ đồng. Trước đây, tàu nhỏ chỉ thả 800 bóng bắt ghẹ nhưng nay thả đến 2.000 bóng. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi thu được khoảng 2 tỷ đồng, chia cho 7 lao động”.

Tàu giã cào “tận diệt” hải sản: Tàu nhỏ nằm bờ, ngư dân tìm đường xuất khẩu lao động

Thuyền trưởng Lê Văn Phú (người thứ 2 từ phải sang): "Từ khi đánh bắt gần bờ khó khăn, lao động trẻ tuổi ở đây hầu hết đi xuất khẩu lao động. Còn tôi nghĩ rằng có đi xuất khẩu lao động rồi sau này cũng phải trở về. Vì thế, tôi vay tiền để đổi tàu công suất lớn, tiếp tục vươn khơi đánh bắt".

Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: "Trước khó khăn do ngư trường gần bờ cạn kiệt, xã đã vận động ngư dân chuyển đổi thuyền, tàu nhỏ sang công suất lớn. Đến nay, toàn xã có 152 tàu đánh bắt hải sản, trong đó 38 tàu công suất trên 90 CV, là địa phương đứng đầu toàn huyện về số lượng tàu công suất lớn".

Xã còn tạo mọi điều kiện khuyến khích lao động địa phương chuyển đổi nghề như: Đăng cai mở sàn giao dịch việc làm tại địa phương để người dân được tiếp cận; hỗ trợ học nghề cho con em thuộc diện bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Năm 2017, có 26 lao động địa phương được hỗ trợ học lái xe; 41 lao động được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; 70 lao động được hỗ trợ học nấu ăn… Tính đến thời điểm này, toàn xã Cẩm Lộc có 199 người đi xuất khẩu lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.

Tàu giã cào “tận diệt” hải sản: Tàu nhỏ nằm bờ, ngư dân tìm đường xuất khẩu lao động

Với những lao động độ tuổi trên 35, xã Cẩm Lộc vận động nâng cấp tàu thuyền và đầu tư ngư cụ để tiếp tục theo nghề truyền thống

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuân cho biết thêm: “Những người trong độ tuổi không chuyển đổi nghề được nữa thì xã vận động khôi phục ngư cụ, theo nghề truyền thống; còn lứa tuổi từ 18 - 35, khuyến khích học nghề và đi xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, cuộc sống người dân địa phương vẫn ổn định. Đặc biệt, theo nắm bắt của chúng tôi, số lao động đi xuất khẩu ở các nước đã có nguồn thu nhập khá gửi về cho người thân để tiếp tục chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới".

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast