Bữa cơm là chiếc gương phản chiếu hạnh phúc của mỗi gia đình. Ảnh minh họa từ internet
Gắn kết yêu thương
Xây dựng gia đình đã gần 15 năm, ngày nào vợ chồng chị Thu Hiền (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) cũng cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên. Với gia đình chị, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành. Chị Hiền cho biết: “Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng. Vì thế, vào những ngày nghỉ, tôi luôn dành thời gian chế biến món ăn mà chồng con thích hay dạy con gái nấu những món ăn truyền thống để tạo sự gắn kết, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình”.
Từ xưa tới nay, bữa cơm gia đình chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc... Thông qua những câu chuyện hay những hành động, ông bà, cha mẹ còn giáo dục con trẻ tình yêu thương, sự kính trên nhường dưới và những kinh nghiệm ứng xử. Như người xưa đã nói: “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “trên kính, dưới nhường”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Bữa cơm đầm ấm tình cảm của ông bà, cha mẹ với con cái sẽ để lại ấn tượng không phai trong tâm trí trẻ thơ.
Bữa cơm đoàn viên của người Việt còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời, khơi dậy lòng tự hào về gia đình, dòng họ. Ông Lê Quốc Tự (Thạch Châu, Lộc Hà) cho biết: “Con cháu đều đi làm ăn xa, nên với tôi, bữa cơm gia đình đúng nghĩa chính là bữa cơm ngày cuối năm. Đó là lúc nỗi niềm nhớ mong con cháu của ông bà được bù đắp. Ngoài những tình cảm yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau qua việc chuẩn bị món ăn, trong bữa cơm, tôi còn nhắc nhở cháu con về phong tục, tập quán của quê hương, về ý nghĩa của mâm cơm cúng gia tiên, sự sum họp của gia đình ngày cuối năm để cháu con luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn. Ngoài ra, dòng họ chúng tôi cũng có bữa cơm chung hội tụ cháu con vào mỗi dịp giỗ tổ. Đó không chỉ là cơ hội cháu con gặp mặt sum vầy mà còn là dịp để giáo dục truyền thống, lòng tự hào, hiếu kính với bậc tiền nhân, báo công sau 1 năm công tác, phấn đấu”.
Vun đắp hạnh phúc
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sợi dây liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình dần có sự lỏng lẻo. Nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành thị có tình trạng cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ thành viên. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng, tình cảm gắn kết, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái ngày càng bị hạn chế dẫn đến nhiều hệ lụy... Chính vì thế, việc duy trì bữa cơm gia đình để giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là hết sức quan trọng.
Để duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc thì vai trò của người mẹ, người vợ mang tính quyết định. Chị Tăng Thị Linh Chi, Trưởng ban Gia đình - Hội LHPN tỉnh cho biết: “Người xưa từng nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” để khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc, kết nối yêu thương. Chính vì thế, vai trò của người phụ nữ trong việc dành thời gian, tình cảm từ khâu chuẩn bị mỗi món ăn là yếu tố quan trọng nhất. Tấm lòng, sự quan tâm của người vợ, người mẹ là sức hút để mỗi một thành viên tạm quên đi nhịp sống tất bật, xô bồ, dành thời gian trở về với bữa cơm gia đình để được thưởng thức hương vị quen thuộc, để nhận được sự chia sẻ, động viên khích lệ và nhân lên sự yêu thương”.
Bữa cơm gia đình còn đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà trước giờ ăn cơm, hoặc tham gia vào các khâu chuẩn bị bữa ăn. Trong đó, người chồng hơn hết phải thể hiện được sự trân trọng những bữa cơm và tham gia cùng vợ những công việc bếp núc để nhân lên niềm hạnh phúc bình dị của cuộc sống. Với trẻ em, cha mẹ cũng có thể dạy bảo những bước sơ đẳng trong nấu nướng, chế biến món ăn và cách ăn uống. Những bài học nhẹ nhàng mang tính thực hành như thế khiến việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ trở nên dễ dàng hơn và các em cũng sẽ hình thành thói quen chờ mong bữa cơm gia đình để được giúp bà, giúp mẹ.
Sự hấp dẫn của bữa cơm gia đình không chỉ thể hiện ở việc thay đổi món ăn hàng ngày mà việc tạo không khí cũng hết sức quan trọng. Đó là chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bữa ăn thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Và như thế, khi nghĩ về bữa cơm gia đình sau một ngày mệt mỏi, mọi người sẽ mong được về nhà, chỉ đơn giản để tìm những phút bình yên.
Ngoài sự cố gắng của mỗi gia đình trong việc giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc thì sự vào cuộc của các tổ chức như hội phụ nữ, công đoàn hay của chính mỗi cơ quan trong việc tổ chức những sân chơi bổ ích như: các cuộc thi nấu ăn, kiến thức dinh dưỡng với sự tham gia của tất cả các thành viên gia đình trong mỗi dịp lễ, tết… cũng sẽ giúp mỗi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa của bữa cơm truyền thống.
Bữa cơm là gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm sum vầy trong không khí quây quần sau một ngày làm việc mệt mỏi trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết và là một nét văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy. Với tầm quan trọng ấy, chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” năm nay đang mang những thông điệp quý giá đến với mỗi người.