Ám ảnh từ những "làng... ung thư"!

(Baohatinh.vn) - Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng và trở thành gánh nặng cho không ít gia đình, ngành y tế và cộng đồng xã hội. Trong đó, bệnh ung thư hiện đang trở thành nỗi ám ảnh của biết bao người. Nhiều ngôi làng trong tỉnh đã được người dân quen gọi là “làng... ung thư”!

Ung thư trở thành tên… làng!

Làng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ) xưa nay được mọi người biết đến với cái tên tôn vinh: Làng tiến sỹ. Vậy nhưng, thời gian gần đây, chính người dân địa phương còn gọi thêm một cái tên bất đắc dĩ: Làng ung thư!

Làng Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) được người dân gọi là "Làng ung thư. Trong làng vẫn còn căn hầm từng là kho chứa nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại nằm trong lòng đất, được xây dựng từ năm 1965...

Ông Võ Dương Hương, một người dân trong làng thở dài: “Trước đây cũng có người chết vì ung thư nhưng ít, chủ yếu là người già. Khoảng 10 năm trở lại đây, số người chết vì ung thư tăng rất nhiều. Đáng sợ hơn nữa là số người trẻ chiếm tỷ lệ đáng kể, có người trên 30 tuổi, có đứa trẻ mới lên 3 cũng chết vì ung thư. Hiện trong làng còn một số người mắc bệnh giai đoạn cuối, trong đó có 1 thanh niên 29 tuổi, chưa vợ. Bà nhà tôi cũng mất cách đây chưa lâu. Không biết vì sao mà người mắc ung thư ngày một nhiều đến thế?”.

Nỗi ám ảnh về những “cái chết được báo trước” không còn là cá biệt nữa mà ngày càng trở nên phổ biến. Như ở xã Mai Phụ (Lộc Hà), có đến 2 “làng ung thư”, đó là thôn Tân Phú và Phú Mỹ. Ở thôn Sơn Phú, xã Thượng Lộc (Can Lộc), chưa đầy 5 năm đã có tới 40 người chết vì căn bệnh ung thư. Rồi thôn Hương Thanh, xã Hà Linh (Hương Khê); thôn Sơn Tiến, xã Thạch Sơn (Thạch Hà); thôn 2 Bồng Giang, xã Đức Giang (Vũ Quang); thôn Tân Trung, xã Sơn Tân (Hương Sơn); thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên)… đều có tỷ lệ người mắc và chết vì bệnh ung thư rất cao.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Lộc (Lộc Hà) Trần Hải Đường cho biết: “Ở An Lộc chủ yếu là người mắc bệnh ung thư gan, phổi, thực quản, dạ dày… Bệnh xuất hiện ở cả những người trẻ. Số lượng người chết vì ung thư tăng theo hàng năm. Nếu như năm 2010 chỉ có 3 người chết vì ung thư thì năm 2014 tăng lên 7 người; đến năm 2015, số người chết vì ung thư đã tăng lên đến 10 người… Mới đây, có thêm 6 trường hợp đi khám về và phát hiện bị ung thư”!

am anh tu nhung lang ung thu

Một số gia đình ở cạnh căn hầm, có người nhà mất vì căn bệnh ung thư đã chuyển đến nơi khác sinh sống

Tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, bệnh nhân ung thư luôn quá tải. Khoa chỉ có 30 giường kế hoạch nhưng luôn phải thực kê trên 100 giường bệnh. Phó trưởng Khoa Ung bướu BVĐK tỉnh Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Bệnh nhân tăng rất nhanh. Vừa rồi, khoa đã mở thêm 2 buồng bệnh với 25 giường bệnh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Khoa đang chuẩn bị mở thêm một khu điều trị với khoảng 45 giường bệnh”.

Gia tăng bệnh không lây nhiễm và gánh nặng y tế

Không chỉ tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tăng vọt mà các bệnh không lây nhiễm khác như: tim mạch, hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản) và đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 trường hợp tử vong thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm.

am anh tu nhung lang ung thu

Bệnh nhân ung thư ngày một trẻ hóa

Tại Hà Tĩnh, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua thực tế tại Khoa Nội tiết, Tim mạch, Nội tổng hợp BVĐK tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cho thấy, bệnh nhân thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nói trên thường xuyên quá tải và bệnh nhân gia tăng nhanh chóng theo thời gian.

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: “Thực tế tại Bệnh viện Phổi tỉnh cho thấy, mô hình bệnh tật đang có xu hướng thay đổi theo chiều hướng thu nhỏ bệnh lây nhiễm và gia tăng bệnh không lây nhiễm. Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm chiếm gấp 3-4 lần bệnh lây nhiễm. Bệnh lây nhiễm như lao có thể chữa khỏi nhưng nhóm bệnh không lây nhiễm như hô hấp mạn tính không thể chữa khỏi, là gánh nặng kinh tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cả đời và cũng là gánh nặng cho ngành y tế, xã hội nói chung”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast