3 năm chiến sự Nga - Ukraine, người dân khát khao hòa bình và cuộc sống bình yên

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 3 năm qua đã trở thành nỗi đau đối với người dân hai nước.

Cuộc chiến dai dẳng giữa hai nước láng giềng đã khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Nhiều hộ gia đình phải "bỏ xứ tha hương" mà chưa biết bao giờ mới trở về được.

Tại một lớp học giữa thời chiến ở Ukraine, một dự án giáo dục đang được triển khai để hàn gắn vết sẹo vô hình do chiến tranh để lại với trẻ em.

Em Ivan Vasiliev - học sinh lớp 11 - chia sẻ: "Em mơ ước được học vì em chán ngán việc chỉ ngồi ở nhà và không làm gì cả. Em đã nghiên cứu một chút trên Internet, xem các môn học, cố gắng tự mình hiểu chúng, nhưng việc tự học khá khó khăn".

Hơn 60.000 chuyên gia giáo dục - bao gồm giáo viên, hiệu trưởng và nhà tâm lý học trường học - được đào tạo về hỗ trợ tâm lý xã hội và an toàn trường học. Kể từ năm 2022, xung đột Nga - Ukraine đã làm suy yếu sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người dân - bao gồm khoảng 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học

Tại các vùng chiến sự, người dân sống trong tình trạng thiếu thốn cùng với những lo ngại về bom rơi, đạn lạc.

Chiến tranh đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng tại cả hai quốc gia. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Sergiy - cư dân Pokrovsk - tự hỏi: "Người ta sẽ sống ở đây thế nào? Không có điện, không có lò sưởi, không có gas, không có nước. Không có gì tốt".

Ở phía bên kia chiến tuyến, tại các khu vực của Nga bị lực lượng Ukraine phản công, trẻ em trở thành những nạn nhân đáng thương nhất.

Bà Eleena Zubkova - Phó Giám đốc Trung tâm lưu trú tạm thời - cho biết: "Đây là những đứa trẻ từ vùng Kursk, từ những khu vực mà, thật không may, đã bị Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công. Như những đứa trẻ đã kể với chúng tôi, chúng chạy bằng dép lê, dép tông, cha mẹ chúng đã nhìn thấy chúng chạy qua các cánh đồng vào rừng để trốn".

Cháu Ilona Shevchenko - người đi sơ tán khỏi vùng Kursk - nói: "Tất nhiên là cháu nhớ gia đình, nhớ chị gái, những người đã ở lại Kursk. Cháu nhớ cả bạn bè. Đó là lý do tại sao cháu vẫn muốn về nhà nhưng tất nhiên, cháu được khuyên không nên quay lại đó, bởi vì tình hình rất khó khăn, và mọi người đều sợ hãi".

Người dân phải đi lánh nạn, tìm đến những khu vực an toàn, không biết khi nào mới có thể trở lại ngôi nhà cũ của mình.

Hòa bình, trở lại cuộc sống bình yên là những gì mà người dân sống trong chiến tranh khao khát nhất vào thời điểm này.

(Ảnh: Anadolu Agency /Getty Images)

Ngày 24/2 là ngày tròn 3 năm bùng phát xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Trong 3 năm qua, cuộc chiến này không chỉ dừng lại ở những chuỗi ngày giằng co trên chiến trường mà còn trở thành cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và các nước phương Tây, gây thiệt hại lớn cho cả Nga và Ukraine.

Xung đột đã khiến hơn 14 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa - trong đó khoảng 6.5 triệu người phải di dời trong nước và khoảng 5 triệu người đã tị nạn sang các nước châu Âu. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Ukraine vào các khu vực biên giới của Nga cũng đã gây ra thương vong và thiệt hại cho dân thường Nga.

Đi kèm với đó là các thiệt hại về kinh tế cho cả hai phía. Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới vào cuối năm 2023, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng là 152 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Ukraine ước tính tổng chi phí tái thiết là 486 tỷ USD - con số này cao gấp 2,8 lần GDP danh nghĩa của Ukraine - theo dữ liệu của Bộ Kinh tế Ukraine.

Nga cũng phải chịu gánh nặng tài chính lớn để duy trì cuộc xung đột này. 70% tài sản ngân hàng của Nga cùng hơn 21,6 tỷ USD tài sản của hơn 15.000 người và thực thể Nga đã bị phương Tây phong tỏa, trừng phạt. Các lệnh trừng phạt Nga đã dẫn tới sự sụt giảm xuất khẩu của nước này.

Tác động kinh tế không dừng lại ở hai nước tham chiến. Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy cao giá thực phẩm toàn cầu, làm tăng tỷ lệ thiếu đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổng thống Nga Putin (bên trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky. (Ảnh: Avia Pro)

Khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ tư, liệu một thỏa thuận hòa bình có đến gần hơn với người dân nước này? Đây là câu hỏi được đặt ra khi thế giới chứng kiến những nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán Nga - Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Antonio Costa đã đến Kiev vào sáng 24/2 để hội đàm về tình hình Ukraine, khi các diễn biến xoay quanh cuộc xung đột này đang thay đổi nhanh chóng.

Theo phía Ukraine, cuộc họp bất thường tại Kiev vào dịp kỷ niệm 3 năm ngày bắt đầu cuộc xung đột sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo từ 13 quốc gia châu Âu và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Việc khởi động đàm phán hòa bình đang được Mỹ thúc đẩy với tốc độ cao. Và châu Âu lo ngại có thể bị đứng ngoài tiến trình này.

Các chi tiết chính xác về một thỏa thuận hòa bình vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nó sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề hóc búa trong đó, chủ chốt là vấn đề lãnh thổ, khả năng Ukraine gia nhập NATO và giải quyết những lo ngại về an ninh của Nga.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố ông sẵn sàng đổi chức vụ tổng thống thống lấy tư cách thành viên NATO.

Về phần mình, Nga vẫn duy trì lập trường tiên quyết là phải loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra xung đột để đạt được một nền hòa bình lâu dài, tức là những yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh, thay vì những lệnh ngừng bắn tạm thời. Và quan trọng là Ukraine phải từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO.

Như vậy, những khác biệt về lợi ích là rất lớn, gây thách thức cho việc sớm tìm ra một giải pháp mà hai bên đều chấp nhận được. Trong bối cảnh đó, việc tăng tốc đối thoại giữa Mỹ và Nga vẫn được coi như điểm sáng tích cực trong tình hình hiện nay.

vtv.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói