37 phút đi vào lịch sử của bà Harris

Qua bài phát biểu chấp nhận đề cử hôm 22/8, bà Harris đạt được cả hai mục đích: Tăng cường hiện diện trong mắt cử tri và chứng tỏ bản thân đại diện cho các giá trị Mỹ.

Bài phát biểu chấp nhận đề cử trong đại hội đảng Dân chủ của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dài 37 phút - chưa đầy một nửa so với diễn văn của ứng viên Cộng hòa Donald Trump hồi tháng 7. Tuy nhiên, phản ứng tại hội trường không kém phần sôi động: Cờ Mỹ tung bay giữa đám đông. Hoa giấy và bóng bay bay tràn ngập không gian giữa tiếng reo hò của các đại biểu.

Với bài phát biểu, bà Harris dường như muốn công chúng Mỹ quen hơn với sự hiện diện của mình với tư cách nhà lãnh đạo đất nước. Bà cũng muốn truyền tải thông điệp: Dù bối cảnh gia đình của bà dường như thể hiện một nước Mỹ đang biến đổi, bà cũng đại diện cho những lý tưởng truyền thống của nước Mỹ, New York Times nhận xét.

Thông điệp ẩn giấu trong ngôn từ

Trong bài phát biểu, bà Harris thừa nhận một số người Mỹ vẫn chưa hiểu rõ về bà. Trên thực tế, bà cũng có tương đối ít thời gian thuyết phục người dân so với các ứng viên khác trong lịch sử.

“Tôi biết có những người với nhiều quan điểm chính trị khác nhau đang dõi theo ngày hôm nay. Tôi muốn các bạn biết rằng: Tôi hứa sẽ trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ”, bà nói.

Một trong những luận điểm phe Cộng hòa sử dụng để công kích bà Harris là coi bà như ứng viên “tự do cấp tiến”. Để đáp trả, bà khẳng định mình là nhà lãnh đạo “thực tế”. Bà trực tiếp đề cập tới nhiều vấn đề mà cử tri thắc mắc từ nhập cư, an ninh biên giới tới kinh tế. Bà cũng chia sẻ tầm nhìn đối ngoại kế thừa nhiều quan điểm đã tồn tại hàng thế kỷ. Theo bà, chính ông Trump mới là người từ bỏ các giá trị giúp nước Mỹ vĩ đại.

Bà Harris không trực tiếp nhắc đến giới tính và sắc tộc của mình, dù vẫn ngầm thừa nhận một số người Mỹ có thể không hài lòng trước viễn cảnh một phụ nữ da đen lãnh đạo đất nước. Cách tiếp cận này khác với bà Hillary Clinton 8 năm về trước, người nhấn mạnh yếu tố giới tính trong cuộc bầu cử năm 2016.

Ngay cả cách ăn mặc của bà Harris cũng thể hiện thông điệp này: Thay vì mặc bộ đồ màu trắng gắn liền với phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, bà lựa chọn bộ đồ tối màu thể hiện quyền lực và sức mạnh.

Ngoài kế thừa truyền thống, bà Harris cũng khẳng định bản thân là người đại diện cho tầng lớp trung lưu. Chiến dịch của bà mới đây đề ra mục tiêu xây dựng “nền kinh tế đầy cơ hội”. Theo bà Harris, đây là điều phản ánh chính bối cảnh mà bà lớn lên - một gia đình không khá giả nhưng các cơ hội luôn được nuôi dưỡng.

Ngược lại, trong suốt hội nghị đảng Dân chủ vừa qua, các đồng minh của bà Harris nhấn mạnh đến gia thế giàu có của ông Trump, mô tả ông đã mất đi sự gắn kết với người dân Mỹ.

Bà Harris cùng gia đình sau bài phát biểu chấp nhận đề cử. Ảnh: New York Times.
Bà Harris cùng gia đình sau bài phát biểu chấp nhận đề cử. Ảnh: New York Times.

Đúng người, đúng thời điểm

Theo Guardian, dù không màu mè và không có hàm lượng chính sách quá nặng, bài phát biểu của bà Harris tương đối hiệu quả.

Sau khi xem xong bài phát biểu, nhiều người tự đặt câu hỏi: Tại sao một phó tổng thống thể hiện không mấy ấn tượng trong gần bốn năm qua (tỷ lệ ủng hộ của bà Harris thậm chí thấp hơn ông Biden) lại có thể có sức hấp dẫn lớn như vậy?

Đầu tiên, phe Dân chủ dường như đã thở phào nhẹ nhõm sau khi ông Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua. Màn thể hiện không tốt trong cuộc tranh luận hôm 27/6 khiến nhiều người cho rằng thất bại của ông là điều không thể tránh khỏi. Bà Harris giúp đảo ngược cuộc tranh luận về tuổi tác theo hướng có lợi cho phe Dân chủ.

Thứ hai, các đồng minh của ông Biden dường như đã nhận ra họ có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ bà Harris, thay vì “bỏ bê” như những năm trước đây. “Tôi không cảm thấy rằng chúng tôi đã phục vụ bà đủ tốt từ đầu”, bà Anita Dunn, cựu cố vấn của ông Biden, nói với Washington Post.

Chỉ sau khi phong trào bảo vệ quyền phá thai nổi lên từ năm 2022, vai trò của bà Harris mới được nâng cao. Bà dần xây dựng mạng lưới đồng minh - điều đang phát huy tác dụng.

Thứ ba, bà Harris dường như xuất hiện đúng thời điểm. Năm 2016, chủ nghĩa dân túy của ông Trump “gặp thời” khi tầng lớp lao động Mỹ ngày càng thất vọng với cuộc sống. Năm 2020, tính cách và kinh nghiệm của ông Biden là điều người Mỹ cần giữa đại dịch. Lúc này, bà Harris giúp nhiều người Mỹ thấy được cơ hội mở ra thời kỳ mới sau nhiều năm chia rẽ.

Dù vậy, thách thức với bà Harris là không nhỏ. Bà sẽ phải làm rõ hơn về chính sách mà bà mong muốn theo đuổi, đặc biệt trong các vấn đề “nóng” như kinh tế hay xung đột Israel - Hamas. Với quá khứ từng là luật sư tại San Francisco, bà cũng có thể bị coi là người của tầng lớp “tinh hoa” - khác với thông điệp đại diện cho tầng lớp trung lưu mà bà theo đuổi.

Phe Dân chủ cũng sẽ phải tìm cách truyền tải thông điệp của mình mạnh mẽ hơn làn sóng phản đối và không để bị mô tả là “trình diễn”, New York Times cảnh báo.

znews.vn

Đọc thêm

Lào bắt 771 đối tượng trong chiến dịch truy quét tại Tam Giác Vàng

Lào bắt 771 đối tượng trong chiến dịch truy quét tại Tam Giác Vàng

Đại tá Anousin Sakpaseut - Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đặc khu Tam Giác Vàng (tỉnh Bokeo) cho biết, từ ngày 12/8, lực lượng chức năng Lào đã huy động 205 người thuộc các lực lượng liên quan tham gia triệt phá đường dây lừa đảo qua không gian mạng tại 3 địa điểm thuộc phạm vi đặc khu kinh tế.
Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Hàn Quốc

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Hàn Quốc

Dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy chỉ trong 1 tuần, nồng độ virus SARS-CoV-2 trong nước thải từ 84 nhà máy xử lý nước thải ở 17 địa phương đã tăng gần gấp đôi.
Kem Đông y gây sốt tại Trung Quốc

Kem Đông y gây sốt tại Trung Quốc

Một cửa hàng kem Thượng Hải gần đây đã trở thành hiện tượng thu hút giới trẻ với sản phẩm độc đáo: các loại kem có chứa vị thuốc Đông y.