Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam ngày 19/12 cho biết đang làm việc với các doanh nghiệp dự án BOT về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, bảo đảm không vượt quá quy định tại Thông tư 28/2021.
Giá vé tại các tuyến huyết mạch như Pháp Vân - Cầu Giẽ dự kiến tăng 18% so với hiện tại. Xe dưới 9 chỗ qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải trả phí cao hơn 5% (từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng) và tăng 22.000 đồng khi qua hầm Đẻo Cả (từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng).
Trên quốc lộ 1 có 25 dự án BOT sẽ điều chỉnh phí gồm đoạn Hà Nội - Bắc Giang, đoạn tránh Phủ Lý (Hà Nam), đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát (Thanh Hóa), cầu Bến Thủy, tuyến tránh Đồng Hới...
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng 0,2-1,4% so với hiện tại. Việc điều chỉnh này tác động không đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
BOT cầu Thái Hà chỉ đạt khoảng 14% so với phương án tài chính. Ảnh: Phương Linh
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 54 dự án BOT. Hầu hết dự án đạt doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí, trả lãi vay tín dụng. Nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay, gây nợ xấu cho tổ chức tín dụng.
Năm 2022, trong 54 dự án, chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%.
Đầu tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận điều chỉnh giá vé tại các dự án BOT theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam. Bộ yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách các chủ xe trong diện miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh, thông báo công khai.
Cục Đường bộ Việt Nam đã họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và thống nhất kế hoạch điều chỉnh giá vé. Có hai doanh nghiệp dự án kiến nghị không điều chỉnh giá vé là trạm Km 1747 thuộc Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và trạm Km11+625 thuộc Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp quốc lộ 38. Trên cơ sở các kiến nghị, Cục Đường bộ đã tổng hợp được 41 dự án BOT cần điều chỉnh giá vé, với 47 trạm thu phí.
Đại diện Cục Đường bộ cho biết đa số các dự án BOT khai thác từ trước năm 2016. Nhiều dự án có doanh thu không đạt theo phương án tài chính do lưu lượng phương tiện thấp, trong khi đó doanh nghiệp BOT được chỉ đạo giảm giá vé cho phương tiện gần trạm thu phí và giảm giá cho xe tải từ 10 tấn trở lên, xe container, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết năm 2016. 7 năm qua, các doanh nghiệp chưa được tăng phí dù theo hợp đồng sau ba năm sẽ điều chỉnh một lần.
Ứớc tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025 chỉ có 16 dự án đạt trên 75% theo phương án tài chính nếu không điều chỉnh giá; nếu điều chỉnh giá thì có 26 dự án có mức đạt trên 75% mức doanh thu theo phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.