Một công nhân may ở Bangladesh. (Ảnh minh họa: Getty)
Theo báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo của Oxfam, 42 người giàu nhất thế giới đang sở hữu tổng cộng 1,1 nghìn tỷ bảng Anh (khoảng 1,527 nghìn tỷ USD).
Oxfam nhận định, khoảng cách giàu nghèo ngày càng được nới rộng trong năm qua khi tài sản của những người giàu nhất được gia tăng mạnh mẽ nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán cùng lãi suất chạm mức thấp kỷ lục, thúc đẩy sự phát triển của các đế chế kinh doanh.
Năm ngoái, báo cáo của Oxfam cho biết, 61 tỷ phú giàu nhất nắm giữ tài sản ngang ngửa 1 nửa dân số thế giới (nửa nghèo nhất thế giới). Còn trong năm 2009 - năm mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gây tổn thất lớn đến “túi tiền” của những người giàu nhất hành tinh, con số này là 380.
Nghiên cứu của Oxfam lấy số liệu từ danh sách tỷ phú thường niên của tạp chí Forbes, trong đó, người đang nắm giữ “ngôi vương” là nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft - tỷ phú Bill Gates với tài sản ròng 62,1 tỷ bảng Anh.
Tỷ phú Bill Gates (trái) và Jeff Bezos là hai người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes hiện tại. (Ảnh: Shutterstock/Polaris)
Một số bảng xếp hạng khác cho thấy ông Gates đã bị Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) “đế chế” thương mại điện tử Amazon, “vượt mặt” nhờ giá cổ phiếu của Amazon tăng mạnh trong vài tháng qua.
Báo cáo mới của Oxfam cũng cho thấy 80% của cải mới được tạo ra trên thế giới trong năm ngoái đã đi về túi của 1% những người giàu nhất.
Oxfam cũng cho biết thêm, trung bình tài sản của các tỷ phú tăng 13% mỗi năm, tính trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2015, cao hơn 6 lần so với mức tăng lương của công nhân bình thường.
Chỉ mất 4 ngày để một giám đốc điều hành của một trong 5 hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới kiếm được số tiền ngang bằng với mức thu nhập cả đời của một công nhân làm việc chăm chỉ trong ngành may mặc ở Bangladesh, theo báo cáo.
Ông Mark Goldring đến từ Oxfam cho hay: “Sự tập trung của cải về tay giới siêu giàu không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế thịnh vượng mà đó là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại, ở đó hàng triệu người lao động - những người làm ra quần áo và thực phẩm cho chúng ta, đang chật vật sống với mức lương nghèo nàn”.