1. Những thói quen ăn uống có thể gây sâu răng ở trẻ
Sâu răng là một trong những bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ. Sâu răng hình thành khi vi khuẩn và đường trong miệng tạo ra một loại axit ăn mòn men răng . Vì vi khuẩn tự nhiên có trong miệng nên bất kỳ trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể bị sâu răng.
Theo định nghĩa của Viện Hàn lâm nha khoa trẻ em Hoa Kỳ (AAPD), sâu răng sớm ở trẻ em là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều tổn thương sâu (có thể đã hình thành lỗ sâu hoặc chưa), mất răng (do sâu răng), các mặt răng sâu đã được trám trên bất kỳ răng sữa nào ở trẻ em 17 tháng tuổi hoặc nhỏ hơn. Sâu răng sớm trầm trọng là tình trạng xuất hiện bất kỳ một dấu hiệu sâu răng mặt nhẵn nào ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ gây sâu răng cho trẻ ở lứa tuổi này chủ yếu bắt nguồn từ việc vệ sinh kém và thói quen ăn uống không đúng cách, bao gồm:
Tiếp xúc với vi khuẩn: Cha mẹ và người chăm sóc trẻ thường vô tình truyền thêm vi khuẩn gây sâu răng vào miệng trẻ. Cụ thể là thói quen mớm thức ăn cho trẻ hoặc khi cha mẹ thử thức ăn hoặc đồ uống trước khi cho trẻ ăn cùng một đồ dùng hoặc cốc.
Cho trẻ ăn vặt nhiều đường và tinh bột: Việc ăn vặt thường xuyên khiến răng của bé bị tổn thương nhiều hơn. Ăn nhiều món ăn vặt sẽ làm tăng nồng độ axit tạo ra bởi các loại vi khuẩn trong miệng. Khi có nhiều vi khuẩn trong miệng, đường và thực phẩm giàu carbohydrate như nước trái cây, kẹo, bánh quy, khoai tây chiên dễ bị phân hủy thành axit có thể làm hỏng lớp ngoài của răng.
Trẻ ăn nhiều kẹo dễ bị sâu răng.
Trẻ uống nhiều nước ngọt có gas: Nước ngọt có gas là đồ uống yêu thích nhất của trẻ do chúng có nhiều màu sắc và mùi vị hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng lại chứa rất nhiều đường và thành phần citric acid trong nước uống có gas làm tăng gấp nhiều lần độ ăn mòn men răng.
Cho trẻ ăn hoặc uống nước có đường trước khi ngủ: Thói quen này tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh trên những răng bị bám đường này và tạo ra axit tấn công răng, gây sâu răng hàng loạt.
Hội chứng sâu răng do bú bình: Hội chứng sâu răng do bú bình là một tình trạng sâu răng sớm nhiều răng, thường gặp ở các trẻ nhỏ 2-4 tuổi, đặc trưng là sâu răng tiến triển và lan nhanh, có liên quan đến thói quen bú bình với các sản phẩm có đường liên tục và kéo dài.
2. Nhận biết dấu hiệu sâu răng ở trẻ
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, sâu răng có thể khó nhận biết, nhất là trong giai đoạn đầu của sâu răng. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu sau ở trẻ:
Trẻ kêu đau răng
Trẻ quấy khóc
Có đốm trắng hoặc đốm đen trên răng
Nhạy cảm với thức ăn hoặc đồ uống lạnh
Sưng miệng
Trẻ khó ăn uống, không muốn ăn…
Trong trường hợp trẻ bị sốt, sưng đau, có thể trẻ đã bị áp-xe răng . Áp xe răng là hậu quả của nhiễm trùng răng cần được điều trị kịp thời. Khi đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa răng để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Ở trường hợp nặng, khi sâu răng làm nứt răng, vi khuẩn xâm nhập sâu vào trong tủy gây chết tủy. Đồng thời mủ tích tụ trong các đầu rễ của xương hàm, phát triển ngày càng lớn gây sưng viêm lan rộng ra khắp hàm. Nếu không điều trị kịp thời, có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở răng, trong xương hàm và các mô xung quanh.
Trẻ bị sâu răng thường đau khó chịu, không muốn ăn uống.
3. Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ răng cho trẻ?
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, cha mẹ cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng . Ngay từ khi trẻ mới sinh cần được chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày để ngăn ngừa sâu răng.
Cần tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ nhỏ ngay từ khi sơ sinh cho tới lúc bắt đầu mọc răng. Ban đầu thì dùng rơ lưỡi từ lúc chưa mọc, dần dần khi trẻ lớn sẽ tạo thói quen đánh răng từ những chiếc răng mọc đầu tiên.
Nên cho trẻ hình thành thói quen đi thăm khám răng miệng từ nhỏ. Đối với những trẻ từ 3 tuổi, việc thăm khám định kỳ và gặp bác sĩ để được tư vấn kĩ năng và ý thức vệ sinh răng miệng, tránh được những nguy cơ sâu răng sau này là rất cần thiết.
Hơn nữa, bố mẹ cũng là người hướng dẫn và giám sát việc vệ sinh của con. Nên tâm sự với con hàng ngày về việc vệ sinh răng miệng, hoặc có thể cho tới lúc trẻ bắt đầu thay răng (từ 5-6 tuổi), bố mẹ sẽ là “chuyên gia tâm lý” để con bớt đi nỗi sợ hãi khi tiếp cận với bác sĩ trước khi thay những chiếc răng sữa đầu tiên.
Nên khám răng định kỳ cho trẻ để phát hiện sớm tổn thương răng.
Bên cạnh đó cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, từ bỏ thói quen không tốt hoặc cách chăm sóc ăn uống chưa phù hợp có thể dẫn đến sâu răng ở trẻ.
Cha mẹ cần lưu ý:
- Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, đặc biệt là đồ ăn nhanh, bánh, kẹo và nước ngọt có gas. Mức độ cao của tinh bột và đường trong thức ăn nhanh làm tăng lượng axit trong miệng. Những chất này làm mòn men răng và làm tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về nướu.
- Tránh để trẻ ăn vặt hoặc uống nước có đường hay bú bình trước khi đi ngủ.
- Khuyến khích trẻ uống bằng cốc càng sớm càng tốt để giảm lượng chất lỏng chứa đường đọng lại xung quanh răng.
- Lau nướu cho trẻ bằng khăn sạch và ẩm sau khi bú. Đối với trẻ lớn hơn cần dạy trẻ đánh răng đúng cách sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
- Nên khám răng định kỳ cho trẻ giúp phát hiện sớm tổn thương răng để điều trị kịp thời.