7 biểu hiện cho thấy cơ thể thiếu canxi cần bổ sung

Canxi không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với xương và răng, mà còn là một phần không thể thiếu đối với hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Vậy khi cơ thể bị thiếu canxi thì sẽ có biểu hiện như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu cơ thể thiếu canxi sẽ xuất hiện các biểu hiện sau:

1. Chóng mặt, tê mỏi

Ngồi lâu một chỗ cảm thấy tay chân bị tê, mỏi lưng, đứng dậy thì bị hoa mắt chóng mặt, cảm giác này chỉ diễn ra trong vài chục giây rồi lại trở lại trạng thái bình thường.

2. Thường xuyên bị chuột rút

Chuột rút là một trong những triệu chứng ban đầu của thiếu canxi. Tình trạng đau cơ bắp, đặc biệt là ở đùi, cánh tay, nách… trong khi di chuyển hay khi đi bộ cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi.

3. Móng tay yếu và dễ gãy

Móng tay cũng cần có đủ lượng canxi để mọc khỏe và không bị giòn. Móng tay yếu và dễ gãy cũng là biểu hiện của sự thiếu canxi trong cơ thể.

4. Bệnh loãng xương

Mất xương, loãng xương là biểu hiện đáng chú ý nhất trong danh sách các triệu chứng của thiếu hụt canxi. Mất xương thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh hoặc sau mãn kinh có nồng độ estrogen giảm, làm giảm sự hấp thu canxi. Bởi vì khi cơ thể nếu thiếu canxi thì sẽ rút canxi từ xương để phục vụ nhu cầu của tim và các cơ quan khác.

Thiếu xương (giai đoạn bắt đầu của loãng xương) và loãng xương cần phải được theo dõi và đánh giá thường xuyên, bằng cách đo mật độ xương và kiểm tra nồng độ canxi trong máu định kỳ.

5. Mất ngủ

Đây cũng là một dấu hiệu quan trọng của sự thiếu hụt canxi. Trong nhiều trường hợp, người không có đủ canxi trong chế độ ăn uống sẽ bị mất ngủ. Trong một số trường hợp, người thiếu canxi vẫn ngủ nhưng giấc ngủ không đủ sâu, thức dậy vẫn thấy mệt mỏi.

Riêng với trẻ em sẽ có một số biểu hiện điển hình khác như:

Với trẻ nhỏ sẽ thường hay bị giật mình, quấy khóc khi ngủ, chậm phát triển kỹ năng vận động (chậm biết bò, đứng, đi…). Nếu tình trạng thiếu canxi kéo dài, trẻ có thể bị chân vòng kiềng, vẹo cột sống…

Với trẻ em lớn đang phát triển, dấu hiệu rõ rệt nhất là trẻ thường kêu đau nhức xương khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi hoặc được xoa bóp.

6. Răng trở nên vàng hơn, chậm mọc răng

Răng và xương bị tác động lớn khi bạn thiếu canxi. Do vậy, khi nhận thấy dấu hiệu này bạn cần rà soát lượng canxi trong chế độ ăn và kiểm tra mật độ khoáng trong xương, vì đây là một trong những dấu hiệu của tình trạng thiếu canxi.

7. Ở nữ giới xuất hiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt

Những triệu chứng bạn thường gặp trước mỗi kỳ kinh nguyệt như nổi mụn, đau ngực, đau lưng, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, đau cơ, căng thẳng, mất tập trung... xuất hiện nhiều hơn thường lệ. Điều này có liên quan đến canxi, chúng sẽ giảm đi nếu cung cấp đủ canxi cho nhu cầu của cơ thể.

Cần làm gì khi cơ thể thiếu canxi?

Canxi là một khoáng chất thiết yếu, trong đó đến 98 - 99% tập trung ở xương và răng, 1% lượng canxi còn lại có nằm trong máu và các tế bào, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chức năng của cơ thể. Lượng canxi thích hợp rất quan trọng để xương, cơ và dây thần kinh hoạt động tốt, giúp ổn định huyết áp, duy trì nhịp đập của tim, sự đông đặc của máu, điều tiết hormone và phát các tín hiệu thần kinh đúng thời điểm...

Khi có biểu hiện thiếu canxi thì cần đi khám tại cơ sở y tế để xác định có bị thiếu hay không, từ đó có giải pháp bổ sung canxi hợp lý.

Theo khuyến cáo của WHO lượng canxi cần thiết cho cơ thể là:

-Trẻ em 0 - 1 tuổi cần 400mg - 600mg/ngày; trẻ em 1 - 10 tuổi cần 800mg/ngày.

-Người lớn 11 - 24 tuổi cần 1200mg/ngày; người lớn 24 – 50 tuổi cần 800mg - 1000mg/ngày.

-Phụ nữ có thai, người cao tuổi cần 1200mg - 1500 mg/ngày.

Để bổ sung canxi, bạn nên tăng cường ăn các loại rau lá xanh đậm như: Cải xoăn, bông cải xanh, củ cải xanh và cải bắp vào chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu canxi khác như: Cá hồi, cá mòi, cá thu và cá ngừ, phô mai, sữa, đậu nành, hạnh nhân và hạt vừng... Các món hải sản như tôm, cua, sò, cá...

Để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, bạn cũng nên tăng lượng vitamin D hàng ngày bằng cách ăn lòng đỏ trứng, hàu, tôm, nấm và một số loại thực phẩm tăng cường như ngũ cốc, bột yến mạch và nước cam...

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D tự nhiên. Nếu uống thuốc bổ sung canxi, vitamin D thì cần theo chỉ định của bác sĩ.

Không uống quá nhiều cà phê, trà hoặc các thức uống chứa cà phê khác. Hạn chế đồ ăn giàu protein.

suckhoedoisong.vn

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast