Ảnh minh họa
Điều đó đã được các chuyên gia chứng minh. Theo một nghiên cứu có tên là NOURISH đã công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng của Mỹ, được thực hiện tại 78 bệnh viện trên toàn nước Mỹ, với hơn 650 bệnh nhân cho thấy những người già thường hay bị suy dinh dưỡng (vì bệnh tật, khuyết tật, mất cảm giác ngon miệng…) sẽ giảm tỷ lệ tử vong đến 50% sau 3 tháng nhập viện nếu được bổ sung dinh dưỡng. Vì thế dinh dưỡng là một phần không thể thiếu khi các bác sĩ điều trị và dự phòng bệnh tật.
Cụ thể như trường hợp gia đình bệnh nhân người Trung Quốc bị viêm đường hôm hấp cấp phải nhập viện vào ngày 22/1/2020 tại TP.HCM vừa qua nhưng người vợ đi cùng lại không bệnh, người con sau 3 ngày đã khỏi bệnh, người cha, ông Li Ding (65 tuổi) phải điều trị đến hơn 20 ngày mới được xuất viện là do hệ miễn dịch - sức đề kháng thấp; chưa kể bệnh nhân có nhiều bệnh nền khác, mà người già mắc bệnh mạn tính càng nhiều hệ miễn dịch càng yếu.
Đề kháng tốt cơ thể ít mắc bệnh hơn
Sức đề kháng được hình thành từ tế bào và những chất được tế bào bạch cầu sản xuất, đó là kháng thể.Khi có một tác nhân gây bệnh nào xâm nhập, kháng thể sẽ chống lại, không cho tác nhân gây bệnh hoành hành, sinh sôi nảy nở; hệ thống này là sức đề kháng. Sức đề kháng của mỗi người phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe chung của người đó và nhiều yếu tố như tiêm phòng đủ không, từng gặp virus đó chưa, và có uống thuốc gì để mất đi sức đề kháng hay không.
Bông cải xanh được đánh giá là chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất
Nếu sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hơn, trường hợp không may mắc bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ và phục hồi nhanh hơn. Trong thời điểm dịch COVID - 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc chủ động tăng sức đề kháng cho cơ thể là vô cùng cần thiết, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị như viêm đường hô hấp cấp.
Sức đề kháng chúng ta phụ thuộc vào 2 biện pháp chủ yếu gồm nước và giấc ngủ vì vậy cần phải uống cho đủ nước và ngủ đủ giấc.
Trung bình mỗi người trưởng thành phải uống từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày nhưng nhiều người lại bỏ qua việc cung cấp nước cho cơ thể như trẻ mải chơi đùa, người lớn lo làm việc mà quên uống nước hay các cụ già quên nhu cầu cần nước của mình. Những người bệnh như sốt, tiêu chảy cần uống nhiều nước hơn để bổ sung lượng nước đã mất trong cơ thể… Cách đơn giản nhất là uống nước đun sôi để nguội trong ngày.
Điều quan trọng thứ 2 là cần ngủ đủ giấc; khoảng 7 - 8 giờ mỗi ngày.Vì tế bào bạch cầu rất cần sự nghỉ ngơi vào khoảng 9 giờ đêm đến 2, 3 giờ sáng. Ngoài ra, trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể, giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ.
Phòng bệnh từ món ăn
Một yếu tố cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch quan trọng không kém chính là bổ sung các loại thực phẩm thông qua khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn đủ nhóm chất và cân đối là rất cần thiết cho chúng ta có sức đề kháng tốt.
Chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng tập trung vào cung cấp đủ năng lượng, đủ chất đạm, đủ chất bột, đường, kiểm soát chất béo, tăng cường vitamin A, vitamin E, vitamin D và vitamin C, tăng cường kẽm, selen và sắt, tăng cường probiotic. Nhóm rau, củ, quả màu sắc rực rỡ tự nhiên như cam, dâu… là nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng tốt nhất.
Vitamin C hỗ trợ sản xuất interferon - là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Từ đó kích thích sự hình thành các kháng thể và làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch.
Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), cải bó xôi nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng bởi loại rau này không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa rất nhiều chất chống ôxy hóa và beta carotene. Đây là những chất có tác dụng giúp tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bông cải xanh được đánh giá là cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, bao gồm: vitamin A, C, E, chất xơ và các chất chống ôxy hóa khác. Đây là một trong những loại rau tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ ăn mỗi ngày.
Trái cây họ cam, quýt như bưởi, cam, chanh, ổi... có quanh năm ở nước ta là những nguồn giàu vitamin C vô cùng tốt và rẻ.Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể thông qua cơ chế tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu.
Đu đủ cũng được xem là loại trái cây “bình dân” lại chứa rất nhiều vitamin C và còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và axit folic, những dưỡng chất rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
Một số gia vị như gừng là thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.Gừng còn giúp giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm khác.
Không khó để bổ sung vitamin A từ các món ăn hàng ngày
Ngoài vitamin C, các chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến nghị nên bổ sung đầy đủ vitamin A. Vitamin A có tác dụng chống bệnh ung thư khi ngăn chặn sản sinh các tế bào ung thư, vi chất cần thiết cho thị lực, ngừa loãng xương, bảo vệ tim mạch, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường hệ miễn dịch là những công dụng khác của vitamin A.
Không khó để bổ sung vitamin A từ các món ăn hàng ngày vì chúng có nhiều trong bí đỏ, khoai lang, khoai tây, cà rốt, gan; rau bina, mơ khô, bông cải xanh, bơ; trứng, sữa, các chế phẩm từ sữa, cà chua, xoài … Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể song chúng ta không nên lạm dụng việc bổ sung vitamin A. Đáng lưu tâm nhất trong các tác dụng không mong muốn do dùng quá liều vitamin A là khả năng gây ngộ độc cho gan và tùy liều lượng có thể đưa đến xơ gan. Tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin A.
Việc bổ sung kẽm cũng là điều cần thiết bởi nhờ khoáng chất này mà hệ miễn dịch được tăng cường, nhanh chóng đẩy lùi virus gây bệnh. Hạt bí ngô là nguồn thực phẩm chứa lượng kẽm dồi dào, ngoài ra, có thể ăn thêm hạt hướng dương, chứa nhiều vitamin E, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.
Các loại thủy hải sản có vỏ như nghêu, cua, sò, hàu, tôm hùm,… rất giàu phốt pho, protein, vitamin A, C, sắt, kẽm… cũng rất có lợi cho sức khỏe.
Ngũ cốc, một nguồn bổ sung năng lượng hoàn hảo cho mọi người cũng nên được mọi người nhớ đến, trong đó có bột yến mạch, chứa vitamin E dồi dào, đồng thời chứa polyphenol - chất chống oxy hóa rất tốt cho hệ miễn dịch.
Một món ăn để tăng sức đề kháng cho cơ thể trong các loại thực phẩm lên men đó là sữa chua. Trong sữa chua có chứa men vi sinh có lợi, thúc đẩy các kháng khuẩn trong cơ thể và canxi, vitamin D, kali, các loại protein tốt cho sức khỏe. Các chị em nên chọn sữa chua không đường hoặc tự làm sữa chua tại nhà vừa bổ dưỡng lại an toàn, hợp vệ sinh.
Và từ... “thuốc” thiên nhiên
Trong các loại vitamin, vitamin D là loại dễ bổ sung nhất vì ai cũng có thể bổ sung nó một cách “miễn phí”. Chỉ cần “phơi nắng”, nhận đủ ánh sáng mặt trời trong thời gian thích hợp là bạn đã có đủ loại vitamin này. Ngoài ra, vitamin D còn có trong các loại cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, hàu, tôm, trứng, nấm, sữa, đậu nành…
Cuối cùng, dù ăn ăn uống đủ chất cũng không thể thiếu vai trò của luyện tập, hoạt động thể chất, thể dục thể thao hàng ngày. Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, gym, aerobic…không chỉ giúp tăng cường sức khỏe, một cách cách tuyệt vời để cảm thấy tốt hơn mà nó còn là tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh, an lành.