Ăn trứng, uống sữa cùng lúc trong bữa sáng có thể chuốc nguy cơ cho cơ thể

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu ăn trứng và uống sữa cùng lúc có thể dẫn đến chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu…

Không ăn trứng và sữa cùng một lúc

Thói quen ăn trứng kết hợp với uống sữa (sữa bò, sữa đậu nành), các sản phẩm từ sữa trong bữa sáng được chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là không nên.

Theo lý giải của chuyên gia dinh dưỡng Ths.BS Doãn Thị Tường Vi, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, không nên ăn cùng một lúc trứng và các sản phẩm sữa bò, sữa dê… Trong sữa có đường Lactose, loại đường này tiêu hóa dễ nhờ vào các men lactase ở màng ruột tiết ra để cắt nhỏ đường lactose trở thành đường glucose. Trong trứng có nhiều protein, phân giải các acid amin.

Khi ăn trứng và sữa cùng với nhau sẽ gây ra tình trạng khó tiêu do cơ thể không thể hấp thu được đường lactose trong sữa. Ở tình trạng nặng hơn có thể sôi bụng, tiêu chảy và đi ngoài phân chua.

Không nên ăn trứng và uống sữa cùng một lúc.

Ths.BS Doãn Thị Tường Vi cho hay, ngay cả việc ăn trứng cùng sữa đậu nành cũng là một sai lầm thường gặp trong ăn uống. Sữa đậu nành là sản phẩm nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trứng cũng là sản phẩm giàu đạm, khi kết hợp 2 sản phẩm giàu đạm cũng nhau cơ thể không thể tiêu hóa hết gây khó chịu, đầy hơi.

Để tránh tình trạng này xảy ra nên tách riêng hai sản phẩm riêng phân chia lượng đạm thích hợp trong sữa ăn. Ví dụ, sau khi ăn trứng thì 1-2 tiếng sau mới nên uống sữa.

Ăn trứng như thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Hiện nay, không chỉ có quan điểm sai lầm khi ăn trứng kết hợp với uống sữa mà nhiều bà mẹ còn không dám cho con ăn trứng vì sợ cholesterol gây rối loạn mỡ máu. Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định, ở trẻ bé không bao giờ có rối loạn cholesterol máu cao. Trừ những trẻ bị rối loạn bệnh lý di truyền, trong 20 năm làm nghề bác sĩ mới gặp 2 trường hợp trẻ bé bị suy dinh dưỡng có rối loạn mỡ máu bẩm sinh. Nguyên nhân rối loại mỡ máu của hai trẻ này là có sự di truyền từ bố và mẹ.

“Với trứng gà, người rối loạn mỡ máu vẫn có thể ăn được. Trong trứng gà có chứa chất lecithin, có tác dụng chuyển hóa cholesterol. Đạm trong trứng gà khả năng hấp thu cao nên rất tốt cho sức khỏe”, TS.BS Nga nói.

TS.BS Nga lưu ý, với trẻ dưới 1 tuổi cần phải lưu ý chỉ ăn lòng đỏ không nên ăn lòng trắng. Vì trong lòng trắng có chứa loại đạm khó hấp thu.

Trẻ trên 10 tuổi béo phì vẫn có thể ăn trứng, nên duy trì lượng đạm 60-70gram. Khi trẻ được ăn đạm từ trứng thì nên bớt các thức ăn chứa các loại đạm khác để cân đối dinh dưỡng.

“Trẻ thích ăn trứng vẫn nên cho ăn hàng ngày nhưng không nên lạm dụng quá mức. Có những trường hợp trẻ chỉ ăn trứng, không ăn các thức ăn khác như vậy là không nên", bác sĩ Nga nói.

TS.BS Trường Hồng Sơn, Viện Trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho hay, trứng gà mà là thực phẩm rất tốt cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Phụ nữ trong thời gian mang thai nên ăn 1-2 quả trứng/ngày để bổ sung những dưỡng chất quý có trong trứng gà như: omega-3, choline, kẽm, lutein và folate giúp hạn chế được những dị tật liên quan tới ống thần kinh, giảm thiểu nguy cơ di tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói