Các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện kế hoạch kinh doanh trong diễn biến dịch bệnh Covid-19 chưa hết phức tạp.
Theo báo cáo từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp phòng dịch Covid-19, đồng thời, thực hiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình mới của dịch bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Một trong những giải pháp trọng tâm chính là mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ tối đa với khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn.
Dư nợ nông nghiệp - nông thôn là một trong những lĩnh vực tăng trưởng khá trong diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ảnh Văn Chung
Đến 31/8/2020, dư nợ toàn địa bàn đạt 56.250 tỷ đồng, tăng 8,36% so đầu năm. So với thời điểm cuối tháng 7, tháng đầu tiên kể từ khi dịch bệnh Covid-19 “tái xuất”, dư nợ toàn địa bàn vẫn tăng 751 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ vào cuối tháng 8 cũng tăng 1,45% so với cuối tháng 7.
Tăng trưởng tín dụng tập trung tăng mạnh ở một số dự án lớn, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn… Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,22%/tổng dư nợ (31/12/2019 là 1,42%).
Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn vay cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng dư nợ toàn ngành.
Từ nay đến cuối năm 2020, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng sẽ ở khoảng 15-17%. Theo chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn vay cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lĩnh vực xuất khẩu; cho vay lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động và các dự án trọng điểm của tỉnh, các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng năm nay giảm 3-5% so với kết quả chỉ số tăng trưởng cuối năm 2019.