Ba kịch bản đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT dự kiến xây dựng ba phương án đầu tư để sớm nối thông tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng này.

ba kich ban dau tu cao toc bac nam

Cầu Cao Bồ - điểm đầu của đoạn cao tốc Nam Định - Vinh (Nghệ An) nằm trong phương án 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Bộ GTVT vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ GTVT dự kiến xây dựng ba phương án đầu tư để sớm nối thông tuyến cao tốc xuyên Việt đặc biệt quan trọng này.

Đề xuất phân bổ 41.414 tỷ đồng vốn TPCP

Bộ GTVT cho biết, dự án có chiều dài khoảng 1.372km, điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (Nam Định), điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai), tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 314.117 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn phân kỳ dự kiến đầu tư khoảng 244.994 tỷ đồng, gồm nguồn vốn Nhà nước khoảng 96.595 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 148.399 tỷ đồng; Giai đoạn hoàn thiện dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng.

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngày 17/1/2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 29 báo cáo Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo đó dự kiến bố trí 70.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia khác.

Lãnh đạo Ban PPP (Bộ GTVT)

"Nếu phân bổ hết nguồn vốn TPCP vào dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án giao thông khác sẽ không còn vốn để triển khai, đặc biệt là các dự án đã cam kết vốn đối ứng với các nhà tài trợ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các nhà tài trợ vốn. Hơn nữa, các dự án đang triển khai dang dở sẽ phải đình hoãn, giãn tiến độ, gây ra tình trạng lãng phí và ảnh hưởng đến năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng”.

Căn cứ định hướng đầu tư theo Nghị quyết số 26/2016 của Quốc hội và mức vốn dự kiến phân bổ tại Tờ trình số 29 của Chính phủ, Bộ GTVT xác định tiêu chí lựa chọn dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 là các dự án cần thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội và dự kiến phân bổ: Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam 41.414 tỷ đồng; Các dự án đường sắt cấp bách 7.000 tỷ đồng; Các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác 21.586 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT dự kiến xây dựng 3 phương án đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, phương án 1 (Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng): Đầu tư với chiều dài khoảng 467km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); Đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT; Đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai). Phương án 2 (Nhà nước hỗ trợ khoảng 63.000 tỷ đồng): Đầu tư với chiều dài khoảng 916km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT và đoạn Nha Trang - Dầu Giây (Đồng Nai). Phương án 3 (Nhà nước hỗ trợ khoảng 70.000 tỷ đồng): Đầu tư với chiều dài khoảng 1.015km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); Đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT và đoạn Tuy Hòa (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai).

“Để phù hợp nhu cầu vận tải đến năm 2020 và cân đối vốn bố trí cho các dự án cấp thiết, quan trọng của Bộ GTVT để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư theo phương án 1 - vốn TPCP phân bổ cho dự án khoảng 41.414 tỷ đồng”, tờ trình do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

ba kich ban dau tu cao toc bac nam

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Tạ Tôn

Lựa chọn phương án tối ưu

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban PPP (Bộ GTVT) khẳng định, phương án Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là tối ưu để đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam. Theo ông Huy, hiện nay, ngoài cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT còn đang triển khai nhiều dự án, công trình khác ở các lĩnh vực. Việc Bộ GTVT đề xuất phương án này để vừa triển khai cao tốc Bắc - Nam, vừa có nguồn lực thực hiện các dự án, công trình khác, nhất là những dự án đang triển khai dang dở.

“Nếu phân bổ hết nguồn vốn TPCP vào dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án giao thông khác sẽ không còn vốn để triển khai, đặc biệt là các dự án đã cam kết vốn đối ứng với các nhà tài trợ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các nhà tài trợ vốn. Hơn nữa, các dự án đang triển khai dang dở sẽ phải đình hoãn, giãn tiến độ, gây ra tình trạng lãng phí và ảnh hưởng đến năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng”, lãnh đạo Ban PPP nói và cho biết, trường hợp đầu tư theo phương án 2, Nhà nước hỗ trợ khoảng 63.000 tỷ đồng, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước khoảng 21.586 tỷ đồng cho các dự án quan trọng, cấp bách khác. Nếu đầu tư theo phương án 3, Nhà nước hỗ trợ khoảng 70.000 tỷ đồng, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước khoảng 28.586 tỷ đồng cho dự án đường sắt cấp bách và các dự án quan trọng, cấp bách khác.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia giao thông, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cho rằng, thời điểm này, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang trong giai đoạn khởi động và sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm ở phía trước. “Việc Bộ GTVT xây dựng các phương án và đề xuất Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước ở mức thấp (khoảng 41.414 tỷ đồng) thể hiện sự trách nhiệm của Bộ GTVT”, ông Long nói.

“Đây là vấn đề cân đối kế hoạch, bởi hạ tầng giao thông không chỉ có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà còn rất nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm đầu tư ở các lĩnh vực như: Đường sắt, đường thủy, hàng không... Đặc thù của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là không chỉ tiền ngân sách rót vào là xong, nó còn các phương thức đầu tư khác như: PPP, BOT, BT. Vì thế, còn nhiều vấn đề phải giải quyết thấu đáo như việc huy động nhà đầu tư, nhà thầu, đảm bảo các thủ tục trình tự theo quy định của hệ thống văn bản pháp lý về đầu tư xây dựng... Để vừa cân đối một dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, vừa cân đối các dự án phát triển hạ tầng khác, tôi cho rằng, Bộ GTVT có đủ căn cứ để đề xuất Thủ tướng Chính Phủ phương án như vậy”, ông Long chia sẻ.

Phân kỳ đầu tư để đảm bảo hiệu quả

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - đơn vị tư vấn lập dự án) cho biết, trên cơ sở đề xuất lựa chọn phương án đầu tư của Bộ GTVT (Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng), dự án sẽ phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trong đó, giai đoạn 1 (2017 - 2022), dự án tiến hành xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Vinh (Nghệ An) và đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT với quy mô 4 làn xe (nền đường rộng 17m), đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe cao tốc (nền đường rộng 25m), tổng chiều dài khoảng 386km; Mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, chiều dài khoảng 81km; Thực hiện GPMB, hỗ trợ tái định cư toàn bộ dự án theo quy mô quy hoạch, tổng chiều dài khoảng 1.204km (không bao gồm đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn La Sơn - Túy Loan triển khai theo hình thức hợp đồng BT, chiều dài 168km).

“Tổng chiều dài đầu tư giai đoạn 1 là 467km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 102.837 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 41.414 tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, giai đoạn 2 của dự án (dự kiến từ năm 2023 - 2028), đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, bao gồm đoạn Vinh (Nghệ An) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết (Bình Thuận) với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Tổng chiều dài giai đoạn 2 là 905km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 142.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 55.181 tỷ đồng; Vốn nhà đầu tư khoảng 86.976 tỷ đồng.

“Còn lại giai đoạn 3, dự kiến triển khai sau năm 2028, dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 69.123 tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.

Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam cao hay thấp?

Liên quan đến thông tin một số phương tiện truyền thông cho rằng, suất đầu tư của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam quá cao (hơn 228 tỷ đồng/km), trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, tổng mức đầu tư của dự án được lập trên cơ sở các nghiên cứu của các dự án thành phần. Trong đó, các dự án đã được nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi với chiều dài 1.001km (chiếm 72,9%).

“Với phần lớn dự án đã được nghiên cứu chi tiết, việc lập tổng mức đầu tư đã bám sát vào định mức của Bộ Xây dựng và các quy định hiện hành”, ông Sơn nói và cho biết, theo Quyết định 1161 ngày 15/10/2015 của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư của đường cao tốc 4 làn xe khoảng 131,178 tỷ đồng/km, 6 làn xe khoảng 200,190 tỷ đồng/km (chưa bao gồm các chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí GPMB, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay).

Đối với cao tốc Bắc - Nam, tổng mức đầu tư dự án khoảng 314.117 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay) cho 1.372km đường cao tốc quy mô theo quy hoạch, trong đó 739km đường cao tốc quy mô 4 làn và 633km đường cao tốc quy mô 6 làn. Suất đầu tư bình quân cho đường cao tốc 4-6 làn xe đã trừ phần lãi vay theo hình thức hợp đồng BOT là 215 tỷ đồng/km. Với suất đầu tư trên có xu hướng thấp hơn suất đầu tư của các nước trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc (cao tốc 4 làn xe: 7,8-13,9 triệu USD/km; 6 làn xe: 9,4-12,3 triệu USD/km), Hàn Quốc (cao tốc 4 làn xe: 24,3 triệu USD/km), Áo (cao tốc 6 làn xe: 13,7 triệu USD/km)…

So với suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng, sau khi trừ chi phí cầu, hầm trên tuyến, chi phí thiết bị, chi phí GPMB, chi phí xử lý nền đất yếu và lãi vay, suất đầu tư của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam khoảng 102 tỷ đồng/km đối với đường 4 làn xe và 134 tỷ đồng/km đối với đường 6 làn xe. “Tôi khẳng định, suất đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam là phù hợp và có xu hướng thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của Bộ Xây dựng công bố và suất đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Báo Giao thông

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.