Bài thi THPT quốc gia được chấm như thế nào?

Năm nay, ngoại trừ môn Ngữ văn, tất cả các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên được chấm hoàn toàn bằng phần mềm máy tính, việc chấm thi sẽ nhanh gọn hơn.

bai thi thpt quoc gia duoc cham nhu the nao

Ảnh: VGP/Phương Liên

Hai cán bộ chấm thi chấm độc lập cho mỗi bài tự luận

Với bài thi môn Ngữ văn, mỗi bài thi tự luận được 2 cán bộ chấm thi chấm độc lập. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi chấm bài thi tự luận phải tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ về đáp án, biểu điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo Quy chế thi. Bố trí cán bộ chấm thi chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng khác nhau.

Cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm trên Phiếu chấm cá nhân, cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào Phiếu ghi điểm.

Trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi.

Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 cán bộ chấm thi thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên Phiếu ghi điểm của cán bộ chấm thi lần thứ hai với điểm trên Phiếu chấm cá nhân của cán bộ chấm thi lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 cán bộ chấm thi nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi. Đồng thời, Bộ GD&ĐT quán triệt cán bộ chấm thi không được sửa chữa điểm trên Phiếu chấm, Phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.

Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm Quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng Quy chế thi, khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.

Để kiểm tra độ chính xác của việc quản lý chấm thi bằng máy tính, tránh xảy ra sai sót trong khâu hồi phách và vào điểm thi, Ban Chấm thi sẽ tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.

Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, thì điểm trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Để phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phải bố trí đủ cán bộ chấm thi tự luận để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo tiến độ chấm của Ban Chấm thi đúng với quy định. Cán bộ chấm kiểm tra chỉ ghi điểm vào Phiếu chấm cá nhân, không ghi điểm vào bài thi của thí sinh.

Giám sát chặt chẽ việc quét bài thi trắc nghiệm

Với bài thi trắc nghiệm, việc quét Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) phải được giám sát chặt chẽ. Trước khi quét phải lập biên bản mở niêm phong. Sau khi quét phải lập biên bản niêm phong. Các thành viên tham gia xử lý Phiếu TLTN tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào Phiếu TLTN của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả Phiếu TLTN và Phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.

Theo Bộ GD&ĐT, ngay sau khi kết thúc kỳ thi vào sáng 24/6, các Sở GD&ĐT đã triển khai ngay công tác chấm thi để bảo đảm tiến độ công bố kết quả thi. Hiện tại, các Sở đã lên đầy đủ phương án về nhân lực, đội ngũ cũng như trang thiết bị cần thiết cho việc này.

Trong suốt quá trình chấm thi, Bộ sẽ cử các đoàn thanh tra của Bộ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, bảo đảm kết quả thi hoàn toàn trung thực, khách quan, công bằng.

Theo VGP News

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.