Đắt hàng nhờ facebook
Bà Dương Thị Thái tất bật chốt đơn hàng mua giun quế giống qua điện thoại.
Nhận điện thoại xong, bà Dương Thị Thái (thôn 2, xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) nhanh tay đi đóng gói sản phẩm, cân hàng để kịp gửi cho khách ở Quảng Bình.
Vừa cân hàng, bà Thái vừa phấn khởi cho biết: “Từ khi con trai lập cho trang facebook bán qua mạng, khách mua giun quế giống nườm nượp. Bán qua mạng nên khách ngoại tỉnh nhiều, chủ yếu là từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An…”
Từ ngày có facebook, khách hàng khắp các tỉnh tìm đặt mua giun quế của bà Thái nhiều hơn...
Trang Facebook “Giun quế giống Hà Tĩnh – Quảng Bình” của gia đình bà Thái được lập cách đây hơn 2 năm. Đến nay, đã có hơn 500 bạn hàng quen thuộc. Khách hàng “mách nước” nhau nên mạng lưới thị trường ngày càng phát triển. Có những lúc, bà Dương Thị Thái phải từ chối đơn hàng vì chưa kịp sản xuất giun quế giống.
... nên ông Hồ Khắc Thành - chồng bà Thái phải tất bật đóng hàng, gửi xe khách cho người mua.
Mới đây, một công ty kinh doanh thức ăn gia súc ở Nghệ An biết đến cơ sở cung cấp giun quế của bà Thái đã vào tận nơi đặt hàng cung ứng hàng trăm tấn mỗi tháng. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, quy mô chưa đáp ứng được đơn hàng số lượng lớn nên bà Thái phải từ chối.
Trang Facebook bán giun quế giống của bà Dương Thị Thái.
“Mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn giun quế giống. Với giá 150.000 đồng/yến, gia đình thu về khoảng 15 triệu đồng. Giun quế được sử dụng làm thức ăn gia súc gia cầm, phân giun quế được sử dụng bón cây xanh rất tốt nên gần đây, bà con nông dân tìm mua giun quế giống nhiều” – bà Dương Thị Thái cho biết.
Nuôi giun quế rủi ro thấp, hiệu quả cao
Để cung cấp con giống ra thị trường, bà Dương Thị Thái đã tận dụng chuồng trại trước đây chăn nuôi trâu bò làm chuồng nuôi giun quế. Dần dần, thị trường phát triển, bà Thái mở rộng thêm chuồng trại có diện tích 50 m2 ngay trong vườn.
Chuồng trại để nuôi giun quế hết sức đơn giản, chỉ cần che chắn đảm bảo tránh mưa, nắng.
Thức ăn của giun quế chủ yếu là phân trâu bò. Bởi vậy, trong nhà bà Thái lúc nào cũng duy trì nuôi 3 con trâu để lấy thức ăn cho giun quế.
“Nuôi giun quế dễ lắm. Chỉ cần 1 tuần tưới phân lên, duy trì độ ẩm, đảm bảo đủ lượng thức ăn là giun quế phát triển tốt. Ngoài ăn phân, giun quế cũng ăn đủ loại như: giấy rác, rau quả, vỏ chuối, vỏ mít… Bởi vậy mà nhiều gia đình nuôi giun quế trong thùng xốp rồi đặt ở phòng khách hoặc phòng bếp để xử lý rác thừa, làm sạch môi trường” – bà Dương Thị Thái cho hay.
Giun quế được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi ngan, vịt.
Không chỉ bán con giống, giun quế còn được bà Dương Thị Thái sử dụng làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn gia cầm (gà, vịt, ngan) hơn 150 con. Phân giun quế được bà sử dụng bón cho cây ăn quả trong vườn; nhiều lúc, sử dụng không hết, bà còn bán cho hàng xóm với giá 400.000 đồng/tạ.
Phân giun quế được sử dụng bón cho cây ăn quả.
Với mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, 4 năm nay, năm nào, gia đình bà Dương Thị Thái cũng thu trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, khoảng 2 năm lại đây, từ khi kênh Facebook “Giun quế giống Hà Tĩnh – Quảng Bình” được thành lập thì thu nhập của gia đình tăng lên gấp bội nhờ bán giun quế giống.
Có thể nuôi giun quế trong thùng xốp, đặt ở phòng khách hoặc phòng bếp để xử lý rác thừa, làm sạch môi trường.
Nói về mô hình nuôi giun quế của bà Dương Thị Thái, chị Trương Thị Doanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Minh cho biết: “Đây là mô hình điểm của Hội phụ nữ. Thời gian qua, mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế được lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường. Ngoài ra, phân giun được sử dụng trong trồng trọt, lấy giun làm thức ăn trong chăn nuôi là biện pháp hiệu quả tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng. Chúng tôi đang khuyến khích hội viên nhân rộng mô hình để phát triển trồng trọt, chăn nuôi của địa phương”.