Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội

(Baohatinh.vn) - Với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 26 nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Nghị quyết số 26).

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao của cả nước.

Chương trình hành động được thực hiện với mục đích tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gắn với định hướng phát triển của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế về cảng biển nước sâu để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 26 bằng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn, gắn với thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.

Theo đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 26 tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26; Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển;

Phát triển mạnh hệ thống đô thị; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ liên kết vùng, nhất là hạ tầng giao thông; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;

Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội phục vụ liên kết vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Đặc biệt, về nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu: Tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động số 1386-CTr/TU, ngày 18/02/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo các nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương để tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê; đề ra các giải pháp đảm bảo đời sống, sản xuất đối với người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. (Trong ảnh: Nhà máy Sản xuất Pin VinES kỳ vọng đóng góp lớn trong sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh).

Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng tốc độ phát triển thương mại, xuất nhập khẩu của vùng Bắc Trung bộ; tập trung phát triển trung tâm dịch vụ logistics và dịch vụ cảng biển tại Khu kinh tế Vũng Áng, trung tâm logistics tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo và huyện Đức Thọ.

Về tổ chức thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 26 và Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy. Bám sát các định hướng phát triển vùng và điều kiện thực tế của địa phương để đề ra các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 26 và Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy; định kỳ tham mưu BTV Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động.

Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu BTV Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26 và Chương trình hành động; định kỳ báo cáo BTV Tỉnh ủy

Xem toàn văn Chương trình hành động TẠI ĐÂY

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

  • Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9%/năm.
  • Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 32,6%.
  • GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 170 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).
  • Tổng thu ngân sách nhà nước nằm trong nhóm các tỉnh đạt cao của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; tốc độ tăng thu ngân sách đạt 14-15%/năm.
  • Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 45%. Duy trì, nâng cấp 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có trên 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
  • Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.
  • Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6-1%/năm

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói