Bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và gia tăng xuất khẩu

(Baohatinh.vn) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm vừa là động lực để bộ lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.

Chiều 15/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và gia tăng xuất khẩu

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Tham gia chất vấn, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...); hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo;…

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm vừa là động lực để bộ lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Do đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

Bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và gia tăng xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết việc thực hiện liên kết theo chuỗi là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm.

Theo báo cáo của các địa phương, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục tình trạng được mùa mất giá, tình trạng doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc.

Về an ninh lương thực, Bộ trưởng đề nghị cần có thái độ bình tĩnh, có cái nhìn toàn diện, ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu, không gây sốc cho thị trường nội địa, không làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước; chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Cùng đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, thời gian qua, sản lượng khai thác thủy sản nội đồng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng, sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản hiện nay đang bị suy giảm, một số loài có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra phổ biến. Thời gian tới, cần quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; rà soát điều chỉnh, thành lập các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh; xây dựng các chính sách chuyển đồi nghề; phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; xây dựng các dự án phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu giải pháp về việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với khai thác thủy sản, cần thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU.

Cuối phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.