Loạt bài 3 kỳ "Phát triển chi bộ vùng giáo ở Hà Tĩnh" cũng vừa được vinh danh giải A - Giải Báo chí Trần Phú Hà Tĩnh. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trao Giấy chứng nhận và giải thưởng cho nhóm giải A của Báo Hà Tĩnh và nhóm giải A của Đài PTTH Hà Tĩnh
Tác phẩm của Báo Hà Tĩnh được chọn trao giải lần này là chùm bài 3 kỳ "Phát triển chi bộ vùng giáo tại Hà Tĩnh" của nhóm tác giả Thủy Lê - Mai Thủy - Dương Hương
Chuyện những người “nhóm lửa” (bài 1) kể về ông Lê Hồng Tư (gần 80 tuổi, thương binh hạng 3/4) - Bí thư Chi bộ thôn Hải Thịnh (xã Gia Phố, Hương Khê). Với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ cùng dòng nhiệt huyết mãnh liệt đã thôi thúc ông ngay sau khi nghỉ chế độ (cách đây 23 năm) bắt tay đảm nhận chức Bí thư Chi bộ Đông Hải - một trong 2 chi bộ đầu tiên ở Gia Phố với 5 đơn vị sinh hoạt ghép.
Ông Tư đã “nhóm lửa” để đến năm 2002, chi bộ ghép Đông Hải được tách thành 3 chi bộ với 28 đảng viên và đến năm 2008 đã kiện toàn được 4 chi bộ với tổng số 31 đảng viên. Chi bộ Hải Thịnh ở thời điểm “ra ở riêng” lực lượng khá mỏng và mọi phong trào gần như phải gây dựng từ đầu. Gần 10 năm qua, những bước chân vững chãi của Bí thư Lê Hồng Tư đã tiếp tục mở hướng phát triển bền lâu cho chi bộ vùng giáo.
“Bí quyết” lãnh đạo chi bộ với ông Lê Hồng Tư đơn giản là: “Nói gì thì nói, muốn dân tin, mình phải làm gương trước đã”. Trước hết là làm gương từ lối sống chan hòa, thân ái, tôn trọng và hòa đồng cùng tín ngưỡng của bà con. Tiếp đó là đi đầu, mở hướng phát triển kinh tế vườn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Ở bài thứ 2 với tự đề Vượt qua “sóng cả”, nhóm tác giả nói về Chi bộ vùng giáo Phúc Hải (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) với 12 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên gốc giáo vững vàng chèo lái, đưa phong trào của địa phương ngày một phát triển.
Phúc Hải có 95% đồng bào có đạo. Điều đặc biệt là từ khi thành lập chi bộ đến nay (năm 1968), trừ 1 nhiệm kỳ, còn lại, người đứng đầu chi bộ Đảng đều do các đảng viên gốc giáo đảm nhận.
Là địa bàn đặc thù, trải gần 50 năm qua nhiều thế hệ tiếp nối nhưng trong cấp ủy Chi bộ Phúc Hải luôn có đảng viên gốc giáo, đảm bảo được yếu tố kế thừa; người đứng đầu chi bộ luôn là giáo dân; tư tưởng của các đảng viên và bà con trong thôn ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và luôn nỗ lực vì phong trào chung. Vì thế, các phong trào ở thôn Phúc Hải đều được người dân tích cực tham gia, sôi nổi hưởng ứng.
Bài cuối trong loạt 3 kỳ phát triển chi bộ Đảng vùng giáo nhận giải C - Giải Báo chí quốc gia của Báo Hà Tĩnh là Bình yên xứ đạo Châu Long khi vẽ nên bức tranh xứ đạo Châu Long (Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không chỉ thanh bình mà còn là điểm sáng trong phong trào làm giao thông nông thôn.
Sự mẫu mực của các cán bộ chi ủy được các đảng viên trong chi bộ tin tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn tiên phong trong mọi phong trào để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Để mở rộng đường giao thông nông thôn, các đảng viên luôn là những người vác búa đập cổng nhà mình trước rồi mới tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân cùng làm. Với cách làm này đã giúp nhiều tuyến đường ở Châu Long “lột xác”.
Trong quá trình xây dựng NTM, người dân lương - giáo Châu Long còn ủng hộ thôn, xã hàng tỷ đồng. Giữa những thách thức, người dân lương - giáo Châu Long luôn đoàn kết, “sống tốt đời đẹp đạo”, giúp nhau làm kinh tế, xây dựng quê hương phồn thịnh, giữ gìn cuộc sống bình yên.
Giải Báo chí quốc gia năm 2017 có 118 đơn vị cấp hội và 37 cá nhân tham dự 11 loại giải theo quy định; trong đó có 55 đơn vị liên chi hội, chi hội trực thuộc, 37 cá nhân gửi ảnh báo chí, 198 cộng tác viên. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên tất cả 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố đều tham dự Giải. Vòng Chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2017 diễn ra trong 2 ngày 2 - 3/6. Lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2017 sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) năm nay. |