Bạo lực ngôn từ

(Baohatinh.vn) - Trong kỷ nguyên công nghệ số, khi thế giới ảo dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thì bạo lực trên không gian mạng đang nổi lên như một bóng đen đe dọa đến tinh thần của không ít người.

Không còn là vấn đề xa lạ, bạo lực ngôn từ đã và đang diễn ra hằng ngày, len lỏi vào từng ngõ ngách của không gian số, gieo rắc những tổn thương vô hình nhưng sâu sắc. Khác biệt lớn nhất giữa bạo lực mạng và bạo lực thể chất là không có vết bầm tím nào xuất hiện trên cơ thể nhưng thay vào đó là những vết thương trong tâm hồn.

z6361624661032-02e544a59e68fec7770b599673e63a45.jpg
Giới trẻ là đối tượng dễ tổn thương nhất bởi bạo lực ngôn từ. (Ảnh minh họa từ Internet)

Với tâm lý còn non nớt thì giới trẻ là đối tượng dễ tổn thương nhất bởi bạo lực ngôn từ. Một bài đăng vô ý, một bức ảnh không vừa mắt cộng đồng mạng hay một quan điểm trái chiều đều có thể trở thành mồi lửa châm ngòi cho một cuộc “tấn công” tập thể. Những bình luận như: “Xấu quá?”, “Trông nó thế mà cũng có người yêu”… xuất hiện nhan nhản dưới các bài đăng của người lạ và không ít người trẻ đã gục ngã vì những lời cay độc đó. Nhiều người trẻ hiện nay cảm thấy áp lực khi sử dụng mạng xã hội. Họ lo sợ bị phán xét, bị hiểu lầm hoặc trở thành mục tiêu của những cuộc công kích vô cớ. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân của bạo lực mạng không chỉ bị tổn thương bởi những lời lẽ ác ý mà còn bị cô lập trong chính môi trường sống của mình.

Một bạn trẻ ở TP Hà Tĩnh từng tâm sự với tôi về những tổn thương phải trải qua khi gặp một câu nói đùa ác ý. Bạn cho rằng, đó chính là một loại bạo lực tâm lý.

Không đơn thuần là những lời lẽ thô tục, công kích cá nhân mà đó còn là sự lan truyền thông tin sai lệch, hạ thấp danh dự, đe dọa, quấy rối, thậm chí tấn công tập thể. Đáng lo ngại hơn, sự ẩn danh trên không gian mạng đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho những kẻ ẩn nấp trong bóng tối, vô trách nhiệm với lời nói của mình nhưng lại sẵn sàng gây tổn thương sâu sắc cho người khác.

Một ví dụ đau lòng về hậu quả của bạo lực ngôn từ trên không gian mạng là trường hợp của nữ diễn viên trẻ Hàn Quốc Kim Sae-ron trong thời gian gần đây. Kim Sae-ron từng được ca ngợi là “thần đồng diễn xuất” của màn ảnh Hàn, đã trải qua biến cố lớn trong sự nghiệp sau vụ lái xe khi say rượu vào năm 2022. Dù đã công khai xin lỗi, đền bù thiệt hại và chịu trách nhiệm pháp lý, cô vẫn không thoát khỏi sự công kích liên tục của dư luận từ năm này qua năm khác. Ngày 16/2/2025, cô đã chọn cách từ bỏ tất cả ở tuổi 25. Những lời chỉ trích đã giết chết một tài năng, một con người. Và rồi, những kẻ từng nhấn chìm cô trong “biển lửa” của lời lẽ cay độc lại quay sang tiếc nuối, thương cảm…

blnt-bat-dau-tu-dau-1.jpg
Bạo lực ngôn từ trên không gian mạng không phải là hệ quả tất yếu của công nghệ mà bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức và thiếu trách nhiệm. (Ảnh minh họa từ Internet)

Trên thực tế, không chỉ những người nổi tiếng mới là nạn nhân. Những học sinh trung học, những cô gái bình thường, những người trẻ với tâm hồn mỏng manh cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công bất cứ lúc nào.

Bạo lực ngôn từ trên không gian mạng không phải là hệ quả tất yếu của công nghệ mà bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức và thiếu trách nhiệm. Nhiều người chưa được trang bị đủ kiến thức về trách nhiệm cá nhân khi tham gia không gian mạng, dẫn đến việc sử dụng mạng xã hội một cách vô ý thức, thậm chí vi phạm pháp luật mà không hay biết. Bên cạnh đó, mạng xã hội tạo ra một môi trường mà ở đó một thông tin tiêu cực có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, kéo theo hàng loạt phản ứng dây chuyền. Khi một người bắt đầu công kích, nhiều người khác sẽ hùa theo mà không suy xét đúng sai.

Mạng xã hội có thể trở thành nơi kết nối hoặc là nơi giết chết một con người, tất cả tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó. Trước khi nhấn “gửi”, hãy tự hỏi: Nếu bạn là người nhận, bạn có chịu nổi câu nói đó không? Một lời có thể cứu rỗi hoặc hủy hoại - bạn sẽ chọn cách nào?

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tuần tới miền Bắc sẽ nắng nóng

Tuần tới miền Bắc sẽ nắng nóng

Miền Bắc đầu tuần tới sẽ nắng nóng trên 35 độ C, giữa tuần tăng lên 37 độ; miền Trung nền nhiệt nhiều nơi cao hơn; Nam Bộ mưa giông về chiều tối.
Suýt chia tay vì pickleball

Suýt chia tay vì pickleball

Mải chụp ảnh với đồng đội nữ khiến bạn gái ấm ức bỏ về, Đăng Khoa thấy mình đã vô tâm. Sau khi ngồi lại, cặp đôi hứa cùng thay đổi để không vì pickleball mà xa nhau.
Hiểu đúng về axit uric và bệnh gout để phòng bệnh hiệu quả

Hiểu đúng về axit uric và bệnh gout để phòng bệnh hiệu quả

Việc hiểu rõ được mối liên hệ giữa axit uric và bệnh gout có thể giúp người bệnh phòng ngừa gout một cách tốt hơn, khi đây là một loại bệnh viêm khớp đang ngày càng trở nên phổ biến, bệnh xảy ra do sự tích tụ của axit uric trong cơ thể theo thời gian.
Khi thế hệ Gen Z làm mẹ sớm

Khi thế hệ Gen Z làm mẹ sớm

Học làm cha, làm mẹ cũng là học cách để trưởng thành. Thế hệ Gen Z làm mẹ sớm, đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ có không ít điều cần phải quan tâm...
Thời tiết Hà Tĩnh 6 ngày tới thế nào?

Thời tiết Hà Tĩnh 6 ngày tới thế nào?

Thời tiết Hà Tĩnh 6 ngày tới: Toàn tỉnh nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 30–37 độ C; chiều tối có mưa dông vài ngày; đề phòng nhiệt độ cao kèm dông lốc.