Trước diễn biến phức tạp của bão Kompasu (bão số 8), Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh về ảnh hưởng của cơn bão này đối với thời tiết Hà Tĩnh.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh.
- Ông đánh giá thế nào về cường độ, hướng di chuyển bão số 8
Đêm 11/10, bão Kompasu đã vượt qua đảo Lu-dông (Philippines) đi vào Biển Đông và chính thức trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021. Đây là cơn bão rất mạnh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Vào Biển Đông, bão còn có thể mạnh thêm và sẽ đạt cường độ cực đại cấp 11, giật cấp 13 khi hoạt động ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ mạnh, bão số 8 còn có tốc độ di chuyển rất nhanh từ 20 – 25 km/h (trong khi các cơn bão khác là 10 – 15 km/h).
Bão số 8 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và ảnh hưởng tới Hà Tĩnh.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan dự báo khí tượng lớn trên thế giới đều có chung nhận định về hướng di chuyển của bão số 8 là theo hướng Tây. Với hướng di chuyển này khả năng cao Hà Tĩnh sẽ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão số 8 khi đi vào đất liền.
Từ đêm 12, rạng sáng 13/10, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8, trên khu vực Biển Đông bắt đầu có gió mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Vì thế, bà con ngư dân cần sớm nắm bắt thông tin về hướng đi của bão số 8 để tránh trú, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
- Ông có thể nói rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của bão số 8 đến tới thời tiết Hà Tĩnh?
Diễn biến của bão số 8 rất nguy hiểm, bởi dù chưa đổ bộ vào đất liền nhưng bắt đầu từ chiều 13/10, hoàn lưu của bão kết hợp với không khí lạnh đang hoạt động sẽ gây mưa to đến rất to cho Hà Tĩnh.
Ngư dân nên chủ động di chuyển tàu thuyền vào các khu vực neo đậu an toàn
Đợt mưa này kéo dài từ chiều 13/10 tới chiều 14/10 với tổng lượng mưa dự báo 150 – 300 mm. Mưa lớn tập trung ở các địa phương vùng ven biển, đồng bằng ven biển Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và miền núi: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.
Tới ngày 15/10, lượng mưa sẽ giảm, chỉ còn mưa rào rải rác hoặc một số nơi có mưa vừa. Tuy nhiên, từ đêm 15 rạng sáng 16/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới (tồn tại một vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới), khả năng cao khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có thêm một đợt mưa lớn khác.
- Ông có khuyến cáo gì với các địa phương, đơn vị và người dân trong các đợt mưa lớn sắp tới?
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều đợt mưa lớn diện rộng. Lúc này, trong khi nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi đã đầy nước thì đất đai vùng đồi núi cũng đã bắt đầu “ngấm no nước”, nên khi tiếp tục có mưa lớn kéo dài sẽ xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm như lũ, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đời sống người dân cũng như các công trình.
Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở tại khu vực Km81+300 trên QL8A khiến giao thông bị ách tắc (25/9/2021).
Thực tế cũng đã chứng minh, vừa qua, tại một số địa phương ở Hà Tĩnh như: Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ bị ngập lụt cục bộ khi mưa lớn kéo dài. Bên cạnh đó, tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn và quốc lộ 8A đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá.
Để có thể ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương, đơn vị cần phải thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết, thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo mà UBND tỉnh đã ban hành, nhất là việc rà soát người dân ở các vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, vùng có khả năng ngập sâu khi có mưa lớn, vùng hạ du các hồ chứa và phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, công trình thủy lợi…
Cầu tràn từ thị trấn Phố Châu đi xã Sơn Giang, Hương Sơn thường xuyên bị ngập nặng khi nước sông Ngàn Phố dâng cao.
Người dân khi có mưa lớn cũng không nên lơ là, chủ quan di chuyển ở những nơi ngập lụt, dễ xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Ngư dân nên chủ động di chuyển tàu thuyền vào các khu vực neo đậu an toàn…