Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đối mặt nhiều thách thức

(Baohatinh.vn) - Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ không những có ý nghĩa về mặt đa dạng sinh học mà góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, công tác bảo tồn thiên nhiên tại Khu BTTN Kẻ Gỗ đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trong lòng Kẻ Gỗ

“Nhờ sự đa dạng về thành phần loài và có tính đặc hữu cao trong thế giới động, thực vật nên Khu BTTN Kẻ Gỗ có vị trí quan trọng trong chương trình bảo vệ đa dạng sinh học trong nước cũng như quốc tế và được xếp vào hàng ưu tiên trong chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học...”, ông Nguyễn Viết Ninh - Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho hay.

Dẫn chúng tôi đi thực địa tại một vùng đệm, ông Ninh chia sẻ thêm: Những năm qua, mặc dù đơn vị đã tích cực tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong vùng để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ... nhưng tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ, lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đốt than, đưa lửa vào rừng gây cháy rừng vẫn xảy ra. Tình trạng săn bắn chim, thú diễn ra khá phức tạp. Các hoạt động này đã làm một số loài cây quý hiếm ngày càng hiếm dần. Một số loài như voi, hổ hầu như không thấy xuất hiện. Một số loài khác như bò tót, gấu, gà lôi đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ, dù trong khu bảo tồn không có hộ định cư, nhưng trên 50.000 người dân thuộc 8 xã vùng đệm sống xung quanh khu bảo tồn, trong đó, một bộ phận không nhỏ vẫn thường vào rừng để khai thác lâm sản, săn bắt chim thú trái phép, chính là thách thức lớn nhất đối với công tác BTTN ở đây. Khó khăn, thiếu thốn hàng ngày, cộng với diện tích canh tác trên đầu người thấp, tỷ lệ tăng dân số hàng năm cao... càng làm gia tăng các hoạt động vào khu vực bảo tồn, làm suy giảm tài nguyên rừng và tính đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kẻ Gỗ.

Thêm vào đó, do hình thành từ đơn vị khai thác kinh doanh lâm sản (Lâm trường Cẩm Kỳ) chuyển sang bảo tồn nên đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong việc bảo tồn rất ít. Hiện, số cán bộ của đơn vị đã được đào tạo chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số CBCNV. Công tác đào tạo và đào tạo lại hằng năm hầu như không có do thiếu kinh phí nên năng lực cán bộ đảm bảo cho công tác bảo tồn chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Lực lượng bảo vệ rừng BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tuần tra bảo vệ rừng

Được biết, nhiều năm nay, lực lượng của đơn vị đang tập trung công tác bảo vệ và sản xuất lâm sinh là chủ yếu, chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng của một Khu BTTN. “Công tác nghiên cứu khoa học vì thế chưa được quan tâm đúng mức. Các số liệu về đa dạng sinh học của Khu BTTN này đang dựa trên luận chứng kinh tế kỹ thuật được xây dựng từ năm 1997-1998. Hoạt động điều tra, đánh giá lại hiện trạng các loài động vật chưa được lâu dài và chuyên sâu nên kết quả còn thấp, độ chính xác chắc chắn sẽ không cao, sự biến động về lượng và chất trong khu bảo tồn là rất lớn...” - ông Dũng nói.

Lực lượng biên chế thiếu, khi diện tích khu bảo tồn trải rộng trên nhiều xã; kinh phí cấp hàng năm hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chủ rừng thiếu đồng bộ, các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo; lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, manh động; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ không được trang cấp; các chế độ đối với lực lượng làm công tác bảo vệ rừng tại gốc không có; không được thành lập hạt kiểm lâm trực thuộc theo quy định của pháp luật… cũng là những yếu tố làm hạn chế công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như công tác nghiên cứu, đánh giá quá trình diễn thế, biến động của hệ động thực vật trong khu bảo tồn.

Theo ông Ninh, trước những khó khăn, thách thức trên, đơn vị đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và có kiến nghị, đề xuất lên các cấp, ngành liên quan để đảm bảo mục tiêu bảo tồn tính đa dạng sinh học Khu BTTN Kẻ Gỗ.

Khu BTTN Kẻ Gỗ ngoài giá trị cao về tính đa dạng sinh học trong vùng, lưu vực hồ Kẻ Gỗ, còn có vị trí hết sức quan trọng đối với nhân dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Là công trình đại thủy nông có sức chứa gần 350 triệu m3 nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 15 km đường chim bay... một lợi thế về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trong vùng cũng như an sinh xã hội và du lịch sinh thái. Song nó cũng đầy hiểm họa nếu chúng ta không làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói