Các vụ việc đau lòng về bạo hành, xâm hại xảy ra ở nhiều địa bàn trong cả nước thời gian qua cho thấy, chúng ta không thể chủ quan, thờ ơ trước những nguy cơ luôn tiềm ẩn đối với sự an toàn của trẻ.
Tạo môi trường sống an toàn để trẻ được phát triển toàn diện.
Tại địa bàn Hà Tĩnh, dù chưa xảy ra những vụ việc lớn nhưng hầu như năm nào cũng có chuyện buồn về trẻ em bị xâm hại. Gần đây nhất là vụ việc hiếp dâm trẻ em “hụt” của Vũ Văn Quý (thôn Đông Hoa, xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh). Nếu như cháu Tr. (13 tuổi, học sinh lớp 8) không thể la hét, kháng cự thì sự việc đã xảy ra theo chiều hướng tồi tệ.
Chị V. mẹ của Tr. cho biết: “Nếu không được chị Huệ phát hiện và can thiệp kịp thời thì chắc chắn con gái tôi đã bị tên Quý cưỡng hiếp. Cho đến hôm nay, cháu vẫn còn bị hoảng loạn về tinh thần”.
Cùng với nguy cơ về xâm hại tình dục trẻ em, vấn nạn bạo hành cũng đang diễn ra phổ biến. Tuy chưa phát hiện các vụ việc có tính chất hình sự nhưng tình trạng đánh đập quá tay hoặc những hành động bạo hành về mặt tinh thần vẫn xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân chỉ do những cơn nóng giận và dục vọng nhất thời của người lớn. Đặc biệt là trẻ sống trong môi trường có bố mẹ nghiện ngập, cờ bạc, hoặc có hôn nhân không hạnh phúc thường bị bố mẹ trút giận vô cớ.
Điều lo ngại nữa, không chỉ người lớn gây bạo lực với trẻ em mà chính trẻ em còn gây bạo lực với nhau. Điển hình gần đây nhất là vụ việc nữ sinh THCS ở Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) bị đánh hội đồng và quay clip tung lên mạng làm xôn xao dư luận. Sau khi vụ việc xảy ra, công an địa phương đã xác minh danh tính các đối tượng trong clip và triệu tập làm rõ hành vi. Đây không phải là vụ việc hy hữu. Tại xã Thường Nga (Can Lộc) cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự, học sinh đánh nhau dã man và tung clip lên mạng…
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cũng cho biết, mỗi năm, trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục).
Đáng ngạc nhiên, có tới 93% kẻ xâm hại là người các bé quen biết và 47% kẻ xâm hại là họ hàng, làng xóm. Tại Hà Tĩnh, tuy chưa ở mức độ báo động “đỏ” nhưng cũng nằm trong nguy cơ chung bởi môi trường sống hiện đại ngày càng có nhiều biểu hiện suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... Thêm vào đó, thực tế hiện nay, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn hạn chế, nhiều người làm cha mẹ thiếu hiểu biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định nên liên tục vi phạm.
Bên cạnh đó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em. Riêng ở các vùng nông thôn hiện nay, rất nhiều bố, mẹ phải đi làm ăn xa nên gửi con ở nhà cho người thân chăm sóc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục đối với trẻ em gái…
Để phòng ngừa, chấm dứt các vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra trong tương lai, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của toàn xã hội.