Bất bình mức phí, tiểu thương chợ Quán Trại bỏ đình ra... đường!

(Baohatinh.vn) - Sau 2 năm chuyển đổi mô hình quản lý chợ (doanh nghiệp đầu tư, quản lý), Ban Quản lý chợ Quán Trại, xã Thường Nga (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã nâng mức thu phí. Cho rằng mức phí hiện tại quá cao, nhiều hộ tiểu thương bất bình, bỏ đình ra đường... kinh doanh!

Bất bình mức phí, tiểu thương chợ Quán Trại bỏ đình ra... đường!

Người dân bày hàng bán ngay bên lề đường 15, phía mặt tiền chợ Quán Trại, nhưng vẫn phải đóng phí 15.000 đồng/ngày

Năm 2017, chợ Quán Trại được chuyển đổi cho Công ty TNHH chợ Quán Trại đầu tư, quản lý, khai thác. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, chợ Quán Trại đã được doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp với các gian hàng, ki-ốt kinh doanh khá rộng rãi, thuận tiện, đảm bảo theo tiêu chuẩn chợ hạng 3 – chợ nông thôn. Tuy nhiên, việc thu hút các hộ kinh doanh và những người dân vào chợ buôn bán đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Lan – một hộ kinh doanh thịt lợn ở chợ Quán Trại đã phải chuyển hẳn quầy ra trước cổng chợ, ngay bên mặt tỉnh lộ 15 để bán hàng. Mặc dù biết kinh doanh bên lề đường như thế là ảnh hưởng đến giao thông, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng theo chị Lan, do giá thuê ốt trong chợ quá cao, những người buôn bán nhỏ như chị không thể “kham” nổi nên phải bỏ chợ, ra ngoài.

Bất bình mức phí, tiểu thương chợ Quán Trại bỏ đình ra... đường!

Quang cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu trước công chợ...

“Chợ Quán Trại là chợ nông thôn, mỗi tháng 15 phiên, mỗi phiên cũng chỉ họp từ 2-3 tiếng đồng hồ là hết khách. Mỗi phiên chợ tôi chỉ bán 10-12kg thịt. Ngoài tiền thuê ốt kinh doanh trong chợ 1,5 triệu đồng/năm, chúng tôi còn phải đóng phí vào chợ 15.000 đồng/ngày. Mức thu như thế là quá cao, gấp 3 lần so với trước đây, chúng tôi không “trụ” nổi” – chị Lan bức xúc cho biết.

Theo chị Lan, chợ Giấy ở xã Đức Dũng (Đức Thọ) là chợ chính trong vùng, chỉ cách chợ Quán Trại chưa đến 3km, điều kiện hạ tầng chợ cũng như nhau nhưng ở đó họ (BQL chợ) chỉ thu tiền thuê mặt bằng và lệ phí chỉ bằng 2/3 giá so với chợ Quán Trại.

Bất bình mức phí, tiểu thương chợ Quán Trại bỏ đình ra... đường!

Trong khi đó, trong chợ vẫn còn nhiều quầy bỏ trống

Mặc dù phải nộp tiền thuê mặt bằng 1,5 triệu đồng/năm và đóng phí 15.000 đồng/phiên nhưng ông Bùi Văn Tiến chỉ được bố trí diện tích mặt bằng chưa đầy 8m2 trước cổng chợ để kinh doanh hàng nông sản. Điều đáng nói, điểm kinh doanh của ông Tiến nằm hẳn phía ngoài đình chợ, không có mái che và chiếm một phần hành lang giao thông đường 15. Ông Tiến cũng không giấu nổi bức xúc khi cho rằng tiền thuê mặt bằng và phí hàng ngày như thế là quá cao.

Đồng quan điểm với chị Lan, ông Tiến, nhiều hộ kinh doanh trong đình chợ cũng rất bức xúc khi tiền thuê ốt và phí hàng ngày ở đây quá cao so với điều kiện kinh doanh ở chợ quê.

Lý giải về mức thuê mặt bằng và phí cao hơn chợ khác trong vùng, bà Thái Thị Hiền – đại diện Ban Quản lý chợ Quán Trại cho rằng, do doanh nghiệp đầu tư số tiền khá lớn để cải tạo nâng cấp chợ nên phải thu để đảm bảo chi phí đầu tư. Còn việc thu thêm tiền chợ 15.000 đồng mỗi phiên là để phục vụ công tác bảo vệ, điện thắp sáng, vệ sinh, giữ xe…

Bất bình mức phí, tiểu thương chợ Quán Trại bỏ đình ra... đường!

Thay vì vào trong chợ, nhiều người dân đã tự ý chiếm dụng lòng lề đường sát đình chợ để buôn bán làm ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn vệ sinh thực phẩm và không đảm bảo an toàn giao thông trên đường 15.

Trao đổi với phóng viên về những bức xúc, phản ánh của các hộ kinh doanh tại chợ Quán Trại, ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng ban Tài chính xã Thường Nga cho biết: Sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của bà con tiểu thương, chính quyền xã đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Kết quả cho thấy, có một số lĩnh vực kinh doanh của tiểu thương, doanh nghiệp thu phí cao hơn mức quy định của tỉnh, như: kinh doanh rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm...

Chính quyền xã Thường Nga đã mời doanh nghiệp lên làm việc và thống nhất lại mức thu để đảm bảo quyền lợi giữa các bên liên quan, song đến nay, Ban Quản lý chợ Quán Trại vẫn chưa có động thái điều chỉnh mức phí theo đúng quy định.

Việc tự ý điều chỉnh thu phí chợ Quán Trại khi chưa thông qua chính quyền địa phương là sai quy định, không tạo được sự đồng thuận của người dân. Hệ lụy là thay vì vào trong chợ, thì nhiều người dân đã tự ý chiếm dụng lòng lề đường sát đình chợ để buôn bán. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan, an toàn vệ sinh thực phẩm và không đảm bảo an toàn giao thông trên đường 15.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.