Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai hướng đi

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này được coi là “lượt về” giữa hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai tầm nhìn đối lập về tương lai của nước Pháp.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai hướng đi

Hai ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp vòng 2: đương kim Tổng thống Emmanuel Macron (trái) và đại diện đảng Tập hợp quốc gia, bà Marine Le Pen trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi đến các điểm bỏ phiếu vào ngày 24/4, người dân Pháp đứng trước sự lựa chọn giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron theo tư tưởng trung dung và thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen.

Vẫn hình ảnh quen thuộc gần giống với 5 năm trước trong các phòng phiếu tại Pháp ngày Chủ Nhật: chân dung Tổng thống Macron bên cạnh thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen.

Cuộc bầu cử tổng thống lần này được coi là “lượt về” giữa hai ứng cử viên trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai tầm nhìn đối lập về tương lai của nước Pháp.

Tổng thống Macron bước vào vòng hai với tâm thế của người dẫn đầu cuộc đua. Dẫn trước đối thủ đến 4 điểm, lần đầu tiên sau 10 năm, một tổng thống mãn nhiệm giành số phiếu cao nhất trong vòng một, ông Macron đã tạo ra động lực quan trọng tiếp sức cho chiến dịch tranh cử được đánh giá là tương đối mờ nhạt trong giai đoạn đầu.

Hai tuần nay, trước sự trỗi dậy mãnh mẽ của đảng cực hữu mà chỉ số ủng hộ có lúc bám sát mình, ông Macron không còn lựa chọn nào khác là phải tập trung toàn lực nhằm giành lại thế chủ động.

Năm năm dưới sự chèo lái của Tổng thống Macron, nước Pháp đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm. Có lẽ chưa có nhiệm kỳ tổng thống nào, Pháp gặp nhiều cuộc khủng hoảng lớn đến vậy, từ phong trào “Áo vàng," dịch bệnh COVID-19 và hiện nay là một cuộc chiến tranh ngay tại lục địa châu Âu.

Nền chính trị Pháp đã thay đổi cơ bản, các đảng chính trị lớn từng thay nhau cầm quyền từ hàng thập niên rơi vào tình thế bị dồn đến chân tường và có nguy cơ tan vỡ.

Ranh giới chính trị giữa cánh tả và cánh hữu đã chính thức bị xóa nhòa, nhường chỗ cho cục diện “chân vạc” mới với ba thế lực chi phối: phe thiên tả, cực hữu và khối trung dung.

Trên nền tảng chính trị mới ấy, Tổng thống Macron được coi là đại diện không chính thức của một bộ phận các đảng phái truyền thống. Bên cạnh đảng cầm quyền Nền cộng hòa tiến bước và các đảng liên minh khác, ứng cử viên các đảng Cộng hòa, đảng Xã hội, đảng Xanh, đảng Cộng sản đã kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron để chống lại bà Le Pen.

Tuy nhiên, đối thủ của ông lần này không chỉ là lực lượng cực hữu. Không ít cử tri từng bỏ phiếu cho ông 5 năm trước nay quay sang ủng hộ lực lượng cực hữu.

Ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon, người về thứ ba trong vòng một, chỉ kêu gọi người ủng hộ không bỏ phiếu cho bà Le Pen chứ không đề cập đến Tổng thống Macron.

Mặc dù từng có thời gian là bộ trưởng kinh tế, ở tuổi 44, ông Macron chưa nắm giữ chức vụ qua bầu cử nào dù là nghị sỹ hay thị trưởng.

Vị tổng thống có quá ít kinh nghiệm chính trường đã khiến không ít người bất mãn vì phong cách lãnh đạo bị chỉ trích là “độc đoán” và “kiêu ngạo.“Cố gắng đến đâu, ông Macron vẫn bị coi là “tổng thống của người giàu.”

Ông Marc-Oliver Padis, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Terra Nova có trụ sở tại Paris, đánh giá: “Khi mới lên nắm quyền, ý định của Tổng thống Macron là tập hợp một bộ phận cánh tả và một bộ phận cánh hữu xung quanh dự án chính trị mới mà ông đại diện, nhưng trong quá trình lãnh đạo, chính sách của ông có xu hướng ngả sang cánh hữu, bỏ qua một số lời hứa với cánh tả… Tổng thống Macron khó thuyết phục thêm một lần nữa cử tri cánh tả vì họ bắt đầu có cảm tưởng bị gạt ra ngoài rìa trong một thời gian dài của nhiệm kỳ."

Nếu như làn sóng biểu tình “Áo vàng” là hậu quả của những biện pháp kỹ trị dựa trên tính toán kinh tế đơn thuần, không quan tâm đến hậu quả đối với những thành phần yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, thì nhiều chính sách kinh tế sau này của tổng thống, mặc dù có tác dụng làm tăng sức mua trung bình của người dân, nhưng gây phân hóa thêm trong xã hội, vì tầng lớp nghèo không được hưởng lợi nhiều.

Vì lý do đó, Tổng thống Macron đã phải điều chỉnh lại cách tiếp cận trong chiến dịch vận động. Đối chọi lại với trọng tâm cải thiện sức mua cho người Pháp trong chương trình tranh cử của bà Le Pen, ông Macron cố gắng bảo vệ một số kết quả tích cực nhất trong bảng thành tích cầm quyền, đặc biệt là giảm thất nghiệp và đưa sức mua trung bình tăng lên.

“Chúng ta đã tạo ra thêm 1,2 triệu bảng lương mới trong suốt nhiệm kỳ,“Tổng thống Macron nhấn mạnh trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 20/4. “Cách tốt nhất để tăng sức mua là giảm thất nghiệp.”

Ông cũng đề cao chính sách áp giá trần nhằm hạn chế tăng giá điện không quá 4%, không tăng giá khí đốt, khẳng định sẽ điều chỉnh lương hưu theo tỷ lệ lạm phát từ mùa Hè năm nay, tăng một số loại trợ cấp xã hội.

Theo Tổng thống Macron, những chính sách kinh tế của Pháp chỉ phát huy tác dụng đầy đủ nếu như được triển khai với sự phối hợp với Liên minh châu Âu (EU).

Tăng cường hội nhập châu Âu, củng cố quan hệ với Đức để tạo ra đầu tàu thúc đẩy EU tiến lên, đối phó với các thách thức lớn chung là chủ đề chiếm vị trí quan trọng trong chương trình hành động của ông.

Tuy vậy, nhìn tổng thể thì Tổng thống Macron không đưa ra đề xuất gì thực sự mới mẻ cho nước Pháp trong nhiệm kỳ hai. Các chương trình cải tổ mà ông giới thiệu không thực sự có tính chất đột phá, ngoại trừ ý định tăng tuổi nghi hưu lên 65 tuổi nhằm đối phó với thâm hụt ngân sách.

Đối với bà Marine Le Pen, đây là lần thứ ba tham gia tranh cử tổng thống và lần thứ hai liên tiếp bước vào vòng hai. Nếu tính cả các lần góp mặt của cha bà, chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen, thì nhà Le Pen đã quen mặt với các kỳ bầu cử tổng thống từ năm 1976 đến nay.

“Người Pháp đã chứng kiến họ trình diễn suốt nửa thế kỷ nên rất khó chứng tỏ có điều gì thực sự mới mẻ. Vẫn những diễn văn cũ đổ lỗi cho người nước ngoài sống tại Pháp, đòi đóng cửa biên giới, từ bỏ quy định của EU. Đó là những điều đã nghe quá nhàm, nhưng chưa thấy được thực hiện,” ông Marc-Olivier Padis nhận xét.

Thế nhưng, đó chỉ là bề ngoài. Thủ lĩnh đảng cực hữu đã cố gắng tập hợp sự bất mãn của người dân đối với chính sách của Tổng thống Macron nói riêng và giới tinh hoa chính trị nói chung xung quanh dự án vẽ ra viễn cảnh đưa nước Pháp trở lại những năm tháng rực rỡ như trong thập kỷ 1970, thời kỳ mức sống cao, an sinh xã hội tốt và tình trạng nhập cư còn thấp, thời kỳ mà châu Âu chưa có sự hội nhập sâu sắc như hiện nay.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà Le Pen đã nỗ lực thể hiện là chính khách thấu hiểu với hoàn cảnh của tầng lớp có điều kiện sống bấp bênh, người lao động nghèo và dân cư nông thôn. Chính sách mà bà giới thiệu đáp ứng sự mong đợi của những người này: giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 0% đối với 100 loại hàng hóa thiết yếu, bao gồm năng lượng, lương thực thực phẩm, vệ sinh trong trường hợp lạm phát cao hơn 1% tốc độ tăng trưởng – chính xác là điều kiện hiện nay - giảm tuổi về hưu về 60-65 tuổi nếu người lao động bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ...

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai hướng đi

Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen (trái). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không có gì ngạc nhiên khi bà Marine Le Pen nhận được sự ủng hộ cao từ lớp cử tri lao động đơn thuần, nặng nhọc, trong những điều kiện khó khăn.

Giới nghiên cứu Pháp nhận định Tổng thống Macron đã chuẩn bị tốt hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đối phó với lạm phát, dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thâm hụt ngân sách và nợ công, còn bà Marine Le Pen được đánh giá cao hơn trong các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội, tăng sức mua của người dân, cải tổ hệ thống hưu trí, chống tội phạm, chủ nghĩa khủng bố và tình trạng nhập cư trái phép.

Trong giai đoạn tranh cử nước rút, nhất là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Macron đã tấn công vào những điểm yếu của bà Le Pen, xoáy vào sự thiếu nhất quán và bất cập trong chính sách kinh tế, chỉ trích mối quan hệ trước đây giữa đảng Tập hợp quốc gia và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đặc biệt, quan điểm của bà Le Pen về việc điều chỉnh quan hệ giữa Pháp với EU cũng bị khai thác triệt để nhằm làm giảm niềm tin của cử tri vào vào cương lĩnh tranh cử của bà.

Từ sau vòng một, đã có hơn 30 cuộc thăm dò dư luận được thực hiện với kết quả cho thấy ông Macron đã đảo ngược xu hướng đi lên của ứng cử viên cực hữu cách đây một tháng, thậm chí nới rộng khoảng cách so với đối thủ.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai hướng đi

Cử tri Pháp bỏ phiếu tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống ở Paris ngày 10/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thăm dò của hãng Ipsos-Sopra, ông Macron có khả năng đạt 57% số phiếu so với 43% dành cho bà Le Pen. Các cuộc thăm dò khác đều cho đánh giá tương tự, trong đó thấp nhất là 10 điểm theo hãng Ifop-Fiducial.

Qua những diễn văn quyết liệt đánh vào tâm lý lo ngại chủ nghĩa cực hữu lên nắm quyền, Tổng thống Macron kéo được một lượng lớn cử tri từng bỏ phiếu cho các ứng cử viên lớn bị loại, trong khi bà Marine Le Pen chỉ có thêm sự ủng hộ của lực lượng từng bầu cho hai chính trị gia cực hữu khác là Eric Zemmour, Nicolas Dupont-Aignan và một bộ phận kiên quyết phản đối ông Macron.

Như vậy, cơ hội thắng cử của Tổng thống Macron trong vòng hai là rất cao vì thăm dò dư luận tại Pháp từ trước đến nay thường phản ánh khá chính xác xu hướng bỏ phiếu của cử tri, chỉ dao động trong phạm vi cho phép từ 3-4%.

Tuy vậy, việc ứng cử viên cực hữu vươn lên đến mức độ có thể thách thức thực sự khả năng giành chiến thắng của Tổng thống Macron buộc giới chính trị và phân tích phải tiếp tục theo dõi đến tận phút chót cuộc bầu cử ngày 24/4 với một sự quan ngại sâu sắc vì ở đó không chỉ là tương lai của nước Pháp, mà của cả EU./.

Theo Tiến Nhất (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.