Câu chuyện về bé trai bị bỏ rơi trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông những ngày gần đây khiến bao trái tim thổn thức. Và đằng sau đó, là câu chuyện cảm động về tình yêu thương của đội ngũ cán bộ y tế nơi đây, những “người mẹ áo trắng” đã làm nên bao điều kỳ diệu cho sinh linh bé bỏng chịu thiệt thòi.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đến thăm và mong muốn được nhận nuôi bé trai
Dịu dàng vỗ về bé trai đang say giấc nồng, điều dưỡng Trần Thị Phước Liễu trải lòng: “Năm hết tết đến, trẻ con xúng xính, hân hoan sắm sửa cùng gia đình, được làm nũng ông bà, bố mẹ nhưng em… Hoàn cảnh em thiệt thòi quá, vì vậy chúng tôi ai cũng muốn dành tình yêu của mình để bù đắp phần nào thiệt thòi của em.”
Nữ hộ sinh Võ Thị Loan chia sẻ: “Chứng kiến bé trai nằm co quắp trong chiếc thùng xốp, bên cạnh là phong bì đựng số ít người thân của bé để lại mà nước mắt mình cứ rơi. Dốc sạch những đồng tiền cuối cùng để lo cho con, sẽ không một người mẹ nào đang tâm bỏ rơi khúc ruột của mình nếu như không lâm vào đường cùng của tuyệt vọng”.
Kể từ khi được các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh nhận chăm sóc, bé trai nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của các tấm lòng thơm thảo gần xa.
Được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, bé trai ngày một hồng hào, ngoan ngoãn. Đến thời điểm này, đã có hơn 30 đơn xin được nhận nuôi bé. Đặc biệt, nhà thiết kế thời trang Đỗ Mạnh Cường ngay sau khi đọc được thông tin về đứa trẻ đã vội vã lên chuyến bay đêm từ Sài Gòn đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh để xin nhận nuôi bé. Anh Cường chia sẻ, nếu được nhận nuôi, sẽ đặt tên cho bé là Đỗ Hồng Lĩnh, đó sẽ là cái tên để bé luôn nhớ về nguồn cội, về những người mẹ của mình.
"Tôi thực sự thiết tha muốn xin nhận nuôi bé. Nếu mọi người yêu thương cháu bé bị bỏ rơi và mong muốn tôi được chấp thuận nuôi dưỡng bé, xin hãy đồng hành cùng tôi…” - nhà thiết kế trẻ Đỗ Mạnh Cường chia sẻ những lời đầy tâm huyết trên facebook cá nhân.
Luật sư Phan Văn Chiều - Phó phòng Luật sư An Phát: | ||
---|---|---|
Việc nuôi con nuôi có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người trong cuộc sống. Việc này đã được cụ thể hóa tại Điều 2, Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi giữa các bên, đặc biệt là đối với trẻ em, nên điều kiện, trình tự, thủ tục nhận nuôi cũng như quyền và nghĩa vụ giữa các bên thường được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Từ đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến việc nhận nuôi con nuôi cũng rất phức tạp, kéo dài, nếu các cơ quan hành chính không linh động giải quyết thì rất khó để những người có thiện chí nhận nuôi con nuôi thực hiện được nguyện vọng của mình, cũng như dẫn đến nhiều trẻ em bị bỏ rơi lỡ “cơ hội”. Do vậy, trong quá trình thực hiện các thủ tục, các cơ chức năng cần thấu hiểu, tạo điều kiện, giải quyết trên cơ sở đặt lợi ích tốt nhất cho các cháu bé bị bỏ rơi. | ||