Bên trong tàu ngầm hạt nhân Mỹ tuần tra Thái Bình Dương

Các tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang ngày ngày giám sát dưới lòng đáy biển, gửi đi thông điệp răn đe tới Trung Quốc.

Dưới đáy Thái Bình Dương, bên trong con tàu ngầm hiện đại bậc nhất của hải quân Mỹ, chuẩn đô đốc Jeff Jablon chỉ ra hai thách thức lớn nhất mà hạm đội của ông phải đối mặt.

“Chúng tôi đang ganh đua với hai đối thủ hạt nhân chính. Nga là đối thủ ngang hàng với Mỹ về năng lực hạt nhân, trong khi Trung Quốc đang từng bước mở rộng và hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân”, Jablon nói từ tàu ngầm nguyên tử USS Mississippi thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đang tuần tra khu vực.

Tàu ngầm hạt nhân USS Mississippi của Mỹ chạy thử trên biển hồi năm 2012. Ảnh: US Navy

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia này gần đây rời căn cứ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, tiến vào đại dương lớn nhất thế giới để thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường lệ.

Giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân đang không ngừng gia tăng ở châu Á, phóng viên CNN được phép lên tàu USS Mississippi tham gia chuyến tuần tra để chứng kiến cách hải quân Mỹ chuẩn bị nhằm răn đe một cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực.

USS Mississippi là một trong 49 tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ. Chúng có khả năng di chuyển dài ngày dưới đáy biển sâu nhờ hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và rất khó bị đối phương phát hiện cũng như tấn công.

Vai trò của những tàu ngầm này càng trở nên quan trọng sau khi Australia hồi đầu tháng công bố thương vụ mua ba tàu ngầm lớp Virginia từ Mỹ vào đầu những năm 2030, theo thỏa thuận an ninh AUKUS, được Mỹ, Anh, Australia ký hồi năm 2021, nhằm chống lại đà mở rộng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.

Trung Quốc chỉ trích thỏa thuận này, cáo buộc ba quốc gia đang thúc đẩy “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn.

“Chiến lược An ninh Quốc gia được Nhà Trắng công bố chỉ ra rằng Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu với Mỹ, còn Nga là mối đe dọa cấp bách”, chuẩn đô đốc Jablon nói. “Khoảng 60% tàu ngầm của chúng tôi đang hiện diện ở Thái Bình Dương vì những thách thức đó”.

Bất chấp những tiến bộ nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng Washington vẫn có lợi thế đáng kể về tác chiến dưới đáy biển so với Bắc Kinh.

Phòng điều khiển của tàu ngầm USS Mississippi. Ảnh: CNN

“Tàu ngầm là lĩnh vực mà Mỹ vẫn duy trì ưu thế áp đảo so với Trung Quốc”, Carl Schuster, cựu giám đốc điều phối tại Trung tâm Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho hay. “Chúng là khí tài có sức mạnh tấn công và khả năng sống sót cần thiết để chống lại đối phương”.

USS Mississippi, giống như tất cả các tàu ngầm khác của hải quân Mỹ, được trang bị lò phản ứng hạt nhân, cung cấp nguồn năng lượng gần như vô tận, giúp nó có phạm vi hoạt động và thời gian triển khai không giới hạn. Tàu ngầm hạt nhân không cần phải định kỳ nổi lên mặt nước để sạc pin như tàu ngầm diesel-điện.

“Tất cả những gì chúng tôi cần là thức ăn cho thủy thủ đoàn. Khi có đủ thực phẩm, chúng tôi có thể đi vòng quanh thế giới mà không cần tiếp tế”, Jablon nói.

USS Mississippi không có khả năng khai hỏa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nhưng nó vẫn được trang bị nhiều loại vũ khí đáng gờm khác, như tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi để tấn công kẻ thù cả trên và dưới đáy biển.

Edward Barry, sĩ quan chỉ huy tàu USS Mississippi, cho biết nó có thể mang tới 25 quả ngư lôi hạng nặng Mark-48.

Theo Jablon, hải quân Mỹ ngày càng cung cấp nhiều thông tin công khai về hiện diện của lực lượng tàu ngầm ở các điểm nóng trên thế giới, nhằm tạo hiệu ứng răn đe với các đối thủ.

“Chúng tôi từng được biết đến là lực lượng thầm lặng trong Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi không bao giờ cho bất kỳ ai biết nơi mình đang hoạt động”, ông giải thích. “Nhưng với lực lượng tàu ngầm ngày nay, chúng tôi phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng còn lại của Mỹ cũng như đồng minh. Việc công khai thông tin giúp đối thủ biết chúng tôi có khả năng hoạt động trên vùng biển quốc tế ở bất cứ đâu trên thế giới”.

Theo giới quan sát, Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân, nhưng vẫn tụt hậu trong nỗ lực phát triển tàu ngầm nguyên tử so với Mỹ. Số lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện chỉ dừng ở 6 chiếc mỗi loại.

Theo Mike Sweeney, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học George Mason ở Virginia, tàu ngầm Mỹ chiếm ưu thế so với Trung Quốc về công nghệ, nhưng “nhiều khả năng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu số lượng” nếu xung đột quy mô lớn nổ ra.

25 trong 49 tàu ngầm tấn công của Hạm đội Thái Bình Dương đang đồn trú ở Thái Bình Dương. Nhưng một số tàu trong đó chưa thể sẵn sàng chiến đấu vì đang bảo dưỡng hay những lý do khác, Jablon cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng số tàu ngầm Mỹ đang phải nằm cảng có thể chiếm tới 2/3 hạm đội.

“Theo quy tắc cũ, với mỗi tàu đang hoạt động, cần có hai chiếc khác, một chiếc chuẩn bị triển khai tiếp theo và một chiếc nghỉ ngơi sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ”, Sweeney nói.

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với nhu cầu bảo trì tương tự, nhưng họ chỉ cần hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khiến Bắc Kinh có lợi thế về tổng số tàu ngầm hiện diện tại hai khu vực này.

Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến không khí làm việc trên tàu ngầm USS Mississippi. Khoảng 130 thủy thủ đang thực hiện nhịp hàng hàng loạt công việc khác nhau đã được huấn luyện kỹ lưỡng để giúp con tàu vận hành ổn định dưới đáy biển.

Trong phòng điều khiển, hơn 10 thủy thủ túc trực, một số vận hành hệ thống thủy âm để tìm kiếm chướng ngại vật, những người khác chịu trách nhiệm điều hướng con tàu giữa bóng tối sâu thẳm.

Trong phòng ngư lôi, các kỹ thuật viên thực hành nạp vũ khí để đảm bảo con tàu luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hàng loạt kỹ sư theo dõi sát mọi thông số kỹ thuật ở các tầng dưới nhằm đảm bảo hệ thống nước và thủy lực hoạt động tốt.

Không gian chật hẹp trên tàu không thể khiến các thủy thủ khó chịu hay mất tập trung, mà thay vào đó, việc tiếp xúc gần gũi mỗi ngày còn khiến họ cảm thấy con tàu giống như một gia đình.

“Tôi nhìn thấy và làm việc với họ mỗi ngày, ngủ cạnh nhau sau mỗi ca trực”, Jack O“Brien, thợ máy 22 tuổi đến từ Massachusetts, nói về những đồng đội của mình.”Và ngay cả khi về cảng, chúng tôi vẫn ở đây làm việc từ sáng đến tối".

Cuộc sống của thủy thủ tàu ngầm có thể là độc nhất vô nhị so với các quân binh chủng khác trong quân đội Mỹ.

Do tàu ngầm thường hoạt động dưới lòng đại dương trong thời gian dài nên thủy thủ đoàn trên tàu USS Mississippi ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ được chia thành ba ca để đảm bảo thời gian làm việc 24/24, chỉ huy tàu Barry giải thích.

Lịch trình hàng ngày trên tàu phần lớn được chuẩn hóa. Thủy thủ làm việc 8 giờ mỗi ngày, sau đó là 8 giờ học tập, dọn dẹp và giao lưu trước khi nghỉ ngơi.

Các thủy thủ giao lưu, giải trí trên tàu USS Mississippi ngày 29/3. Ảnh: CNN.

“Tôi nghĩ tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ là con người”, Barry, người đã phục vụ 19 năm trong hải quân, nhận xét. “Họ được đào tạo bài bản, có kiến thức tốt, nhiều kinh nghiệm và yêu nước”.

Steven Wong, kỹ thuật viên điện tử 26 tuổi đến từ California, cho hay anh hơi sốc khi lần đầu tiên gia nhập đơn vị vì không gian chật hẹp trên tàu ngầm.

“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là mức độ thân thiết của mọi người. Chúng tôi cùng chia sẻ khó khăn và cuối cùng bạn sẽ có một mối quan hệ thực sự bền chặt”, Wong, người chịu trách nhiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng và điện cho tàu, nói.

Giữ liên lạc với những người thân yêu trên bờ không dễ dàng vì nhận tín hiệu dưới đáy đại dương là điều vô cùng khó khăn. “Mỗi ngày tôi đều cố gắng truy cập vào máy tính để nhận email. Mỗi khi nhìn thấy một email chưa đọc, tôi luôn cực kỳ phấn khích”, Wong chia sẻ.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói