Bệnh viện nợ lương 8 tháng: Hơn 200 y, bác sỹ đình công

Khoảng hơn 200 người lao động đang làm việc tại bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn ở TP Vinh, Nghệ An đã nghỉ việc đình công đòi lương.

Trong sáng ngày 1/8, hàng chục người lao động bao gồm y bác sỹ, các nhân viên phục vụ vẫn tập trung trong khuôn viên của bệnh viện để tiếp tục phản đối ban lãnh đạo của bệnh viện này. Khi phóng viên có mặt, không có lãnh đạo nào bệnh viện có mặt tại nơi làm việc, chỉ có vài nhân viên hành chính.

benh vien no luong 8 thang hon 200 y bac sy dinh cong

Niêm phong ổ khóa ghi ngày 30/7.

Khung cảnh bệnh viện đa khoa Thành An – Sài Gòn ngoại trừ nơi tập trung phản đối ở mặt trước, con lại hoàn toàn vắng vẻ, các phòng chức năng đều được khóa lại, hoàn toàn không có hoạt động khám hay chữa bệnh nào được diễn ra. Các phòng nơi người bệnh lưu trú hoàn toàn trống trơn.

Gần trưa, vẫn có khoảng 30 người lao động vẫn tiếp tục nán lại trong sân chờ bệnh viện để gặp ban lãnh đạo, trước đó vào đầu giờ sáng, số người tụ tập đông hơn gấp 2,3 lần. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cộng với sau nhiều giờ chờ đợi không gặp được những người có chức trách của bệnh viện, một số người lao động đã bỏ ra ngoài.

Một y tá đang kiên nhẫn ngồi đợi, phản ánh: “Chúng tôi muốn chờ để gặp xem ban giám đốc phản hồi lại yêu cầu trả lương cho nhân viên như thế nào. Chúng tôi đã chờ 8 tháng rồi. Ai cũng chỉ có nguyện vọng là được trả lương để duy trì cuộc sống. Hơn 200 con người ai cũng bị nợ cả”.

Ngoài việc nợ lượng nhân viên trong 1 thời gian dài, bỏ mặc việc duy trì cuộc sống cho người lao động tự lo thì ban lãnh đạo bệnh viện Thành An – Sài Gòn mà trực tiếp là giám đốc Nguyễn Đình Khang còn bị các nhân viên mới vào phản ánh là thu số tiền nhận việc nhưng không trả theo hợp đồng sòng phẳng.

benh vien no luong 8 thang hon 200 y bac sy dinh cong

Bệnh nhân chờ xe về quê.

Theo phản ánh của các nhân viên mới vào, có người bệnh viện thu 50 triệu, 70 triệu, thậm chí để có việc làm, có nhân viên phải nộp 100 triệu đồng. Và số nhân viên này, nhận vào thời điểm năm 2015, có số lượng nhận vào rất ồ ạt, theo thống kê chưa đầy đủ thì gần 100 người.

Y sỹ Phan Trọng Toàn, làm việc tại khoa Đông y, sau khi nộp 100 triệu đồng đã được nhận vào làm việc từ đầu tháng 5/2015. Theo hợp đồng thỏa thuận, tiền lương Toàn được nhận 1,7 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, và mỗi tháng bệnh viện phải trả lãi cho nhân viên 1% trên số tiền 100 triệu đã nộp, khoảng 1 triệu đồng. Theo cách tính này, mỗi tháng y sỹ Toàn nhận tổng cộng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa có tháng nào y sỹ trẻ này được nhận đầy đủ.

Vào làm việc từ đầu tháng 5, thì các tháng 5, sáu, 7, số tiền 1% - anh Toàn được bệnh viện trả đúng hẹn, nhưng sau đó thì ngừng hẳn. Khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, thì bị bớt đi 500 ngàn vì phải học chương trình tiếng Trung do bệnh viện đặt hàng. Còn tiền lương 1,7 triệu đồng, theo Toàn, anh cũng không được nhận.

“Ngoại trừ 3 tháng đầu được trả tiền 1%, thì tính ra mỗi tháng tôi chỉ nhận được từ bệnh viện đúng 1 triệu đồng. Tôi học trường y học cổ truyền ra mong muốn được phục vụ trong ngành y lâu dài, nhưng giờ đây đã mất hi vọng ở ban lãnh đạo bệnh viện Thành An – Sài Gòn này. Giờ tôi muốn họ trả đầy đủ những tháng lương còn thiếu. Và cái quan trọng nhất là yêu cầu họ trả lại số tiền gần 100 triệu mà tôi đã nộp khi được nhận vào làm” – anh Toàn bức xúc.

benh vien no luong 8 thang hon 200 y bac sy dinh cong

Nhiều người không biết thông tin vẫn đến khám và thất vọng.

Đứng cạnh y sỹ trẻ là một nữ kỹ thuật viên đã có tuổi, xin giấu tên, cho biết: Cô đã nghỉ hưu và vào bệnh viện Thành An – Sài Gòn để làm thêm. Hiện đang làm ở khoa Nhiễm khuẩn, mức lương mà bệnh viện hứa trả là 3,2 triệu/tháng. Tuy nhiên cũng như những người khác, từ tám tháng nay, cô không nhận số tiền đáng lẽ được nhận.

Khoảng 2 ngày nay, bệnh viện Thành An – Sài Gòn đã không còn nhận bệnh nhân vào thăm khám chữa trị. Tuy nhiên, do nhiều người dân không biết thông tin trên nên vẫn đến và phải ngạc nhiên ra về./.

Theo VOV

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.