Bí ẩn phía sau thác nước màu đỏ máu ở Nam Cực

Nước ở Thác máu tại Nam Cực có màu đỏ quạch do chứa sắt tồn tại ở dạng siêu vi cầu nhỏ hơn 100 lần so với tế bào hồng cầu của con người.

Thác máu ở sông băng Taylor. Ảnh: Peter Rejcek

Thác nước màu đỏ quạch đổ ra từ chân sông băng Taylor. Một nhóm nhà nghiên cứu thông báo phát hiện bí ẩn phía sau dòng nước màu đỏ của Thác máu ở Nam Cực trong bài báo đăng trên tạp chí Frontiers in Astronomy and Space Sciences, New Atlas hôm 27/6 đưa tin.

Hiện tượng kỳ lạ được phát hiện lần đầu tiên năm 1911 bởi nhà địa chất học Thomas Griffith Taylor. Ông cho rằng nguyên nhân đến từ tảo đỏ. Chỉ nửa thập kỷ sau, giới nghiên cứu nhận định màu đỏ quạch của nước do muối sắt gây ra. Điều đáng chú ý nhất là ban đầu nước rất trong nhưng nhanh chóng chuyển thành màu đỏ sau khi chảy ra từ băng, do sắt bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí lần đầu tiên sau hàng thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới kiểm tra mẫu nước và phát hiện sắt tồn tại ở dạng ngoài dự kiến. Về lý thuyết, đó không phải là khoáng chất mà có dạng siêu vi cầu nhỏ hơn 100 lần so với tế bào hồng cầu của con người.

“Ngay khi nhìn hình ảnh trong kính hiển vi, tôi nhận thấy có nhiều siêu vi cầu nhỏ giàu sắt. Ngoài sắt, chúng còn chứa nhiều nguyên tố khác như silicon, canxi, nhôm, natri. Chúng rất đa dạng”, Ken Livi, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. “Để là khoáng chất, nguyên tử phải sắp xếp theo cấu trúc tinh thể đặc biệt. Siêu vi cầu không có dạng tinh thể, vì vậy những phương pháp trước đây dùng để kiểm tra chất rắn không tìm ra chúng”.

Cách đây vài năm, các nhà khoa học tìm ra nước ở Thác máu có nguồn gốc là một hồ bên dưới sông băng cực kỳ mặn, ở dưới áp suất cao và không có ánh sáng hay oxy. Một hệ sinh thái vi khuẩn tồn tại biệt lập trong hồ suốt hàng triệu năm. Sự sống có thể hiện diện trên hành tinh khác trong điều kiện khắc nghiệt tương tự.

“Nghiên cứu của chúng tôi hé lộ phân tích do phương tiện tự hành thực hiện không hoàn chỉnh trong việc xác định bản chất thực sự của vật liệu môi trường trên các bề mặt hành tinh. Điều này đặc biệt đúng với hành tinh lạnh hơn như sao Hỏa, nơi vật liệu hình thành có thể ở kích thước nano và không phải tinh thể. Nhằm hiểu rõ bản chất bề mặt hành tinh đá, cần có kính hiển vi điện tử, nhưng hiện nay chúng ta chưa thể đưa thiết bị như vậy lên sao Hỏa”, Livi nói.

Theo An Khang (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói