Nuôi dạy con đầu lòng có thể sẽ là một thử thách lớn đối với những người chưa từng có kinh nghiệm. Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có những cá tính riêng biệt, chúng ta thường không thể áp đặt một cách nuôi dạy cho tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có những quy tắc và lời khuyên có thể được áp dụng vào đa số các trường hợp mà người làm cha làm mẹ nào cũng phải nhớ.
Trước khi đi vào những bí quyết đó, bạn cần phải thật sự hiểu được tính cách của con mình. Một khi đã hiểu rõ, cách nuôi dạy của bạn sẽ trở nên dễ dàng và phù hợp hơn rất nhiều.
Dạy con tự tạo quyết định cho riêng mình
Mặc dù nghe có vẻ khó khăn, nhưng việc bạn rèn luyện cho con phải độc lập lựa chọn là một điều cần thiết (trừ những trường hợp nguy hiểm). Nhiều cha mẹ thường cảm thấy việc ép buộc con mình phải thích cái này, ghét cái kia là điều đúng đắn, bởi cha mẹ là người đi trước và luôn chỉ muốn tốt cho con. Mặc dù dạy dỗ những điều hay lẽ phải là điều tốt, nhưng đừng bao giờ quyết định hộ con cái, hãy giỡi thiệu chúng đến những món ăn mới và để chúng tự quyết định xem mình có thích ăn món đó hay không. Chỉ có như vậy, con của bạn mới thật sự phát triển trọn vẹn theo tiềm năng của chúng.
Không cứng nhắc
Bạn không nên quá cứng nhắc với đứa con đầu lòng của mình. Bởi lẽ, những đứa trẻ này vốn dĩ đã thật sự cầu toàn rồi, mà đến cả bố mẹ cũng đặt áp lực của sự cầu toàn ấy lên trên vai của chúng, có lẽ sẽ là điều không hay. Vì vậy, hãy dạy con bạn biết rằng đôi khi thất bại chính là bàn đạp lên đến thành công, con không phải hoàn hảo mới có thể được cha mẹ yêu thương.
Đừng bắt chúng phải có trách nhiệm với các em
Một sai lầm rất lớn của người lớn khi nuôi dạy con đầu là để chúng phải trông và chăm sóc em trai em gái của mình. Mặc dù những đứa trẻ ấy là anh chị cả trong nhà, nhưng vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi. Đây không phải giúp con mà đang lợi dụng con để đỡ việc cho bản thân mình vậy. Hãy dạy chúng nhận thức mình phải yêu thương và quan tâm anh em trong gia đình như thế nào, chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng của mình cho những đứa trẻ ấy.
Rèn luyện tính kiên nhẫn cho chúng
Rèn luyện tính kiên nhẫn cho con đầu lòng là điều quan trọng. Những đứa trẻ này thường có xu hướng muốn kiểm soát người khác và đưa mọi thứ theo kế hoạch riêng của chúng. Vì vậy, hãy đối xử với đứa con đầu của bạn dựa trên sự bình tĩnh và tôn trọng, làm gương về sự kiên nhẫn để chúng có thể học tập và làm theo.
Tự hào về con
Đôi khi, mọi người thường hiểu tự hào ở đây chỉ đang nói về những thành tích mà con đang có như việc chúng giỏi một loại nhạc cụ hoặc được tuyên dương trước lớp về thành tích học tập. Tuy nhiên, điều này có thể khiến cho trẻ hiểu rằng bạn yêu thương chúng vì những thành tích đó, và sẽ cố gắng thật nhiều để đạt được chúng. Hãy đảm bảo đứa con của bạn biết rằng bạn tự hào vì chính con người của chúng, chứ không đơn thuần là thành tích hay tài năng.
Dành thời gian cho chúng
Một mẹo nuôi dạy con quan trọng khác để nuôi dạy con đầu lòng chính là dành thời gian cho chúng. Những đứa trẻ này thường cảm thấy tự ái khi cha mẹ hay dành nhiều thời gian hơn với các em gái em trai của mình hơn. Hãy luôn nhớ đến đứa con đầu lòng của mình và khiến chúng cảm thấy mình thật sự quan trọng. Bạn có thể dắt chúng đi ăn tối một bữa riêng, xem phim hoặc mua cho chúng món ăn yêu thích. Những điều đơn giản vậy thôi cũng có thể khiến bạn ngỡ ngàng với hiệu quả của chúng.
Khuyến khích và ủng hộ con bạn
Những đứa con đầu lòng thường có xu hướng tập trung vào làm một việc duy nhất, cố gắng làm nó thật sự hoàn hảo mà quên mất đi nhiều giá trị. Sự hoàn hảo đôi khi không thật sự phù hợp. Hãy dạy trẻ học cách chọn lọc dữ liệu, công cụ để xử lí các vấn đề trong cuộc sống, và luôn khuyến khích, ủng hộ mọi quyết định, hướng đi của con.
Dạy con cách trao đổi
Cuối cùng, bạn cần dạy con cách lắng nghe và trao đổi. Bởi lẽ, những đứa con đầu lòng thường sinh ra đã là những “lãnh đạo trẻ”, đôi khi hơi cứng đầu và “hách dịch”. Mặc dù điều này có thể tích cực theo một số khía cạnh, nhưng chúng có thể khiến bạn bè/đồng nghiệp xa lánh con bạn. Vì vậy, hãy dạy đứa con đầu lòng của mình biết cách lắng nghe, thỏa hiệp và trao đổi với những người khác, thay vì cứng đầu với một cách duy nhất của chúng.