Sáng 24/11, đoàn công tác tỉnh Hậu Giang do Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Hà Tĩnh. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tiếp và làm việc với đoàn. |
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chủ trì tiếp và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo với đoàn công tác về tình hình, kết quả công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục hậu quả lũ lụt và định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo những kết quả của Hà Tĩnh trên các lĩnh vực hoạt động trong thời gian qua.
Tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính; Đảng bộ Hà Tĩnh có 17 đảng bộ trực thuộc với 637 tổ chức cơ sở Đảng, 4.067 chi bộ trực thuộc, gần 99.000 đảng viên.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đầu nhiệm kỳ, sự cố môi trường biển xảy ra, cuối nhiệm kỳ gặp phải đại dịch Covid-19; nhiều năm xảy ra thiên tai bão lũ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Trung ương; sự nỗ lực, chia sẻ của các tỉnh bạn, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; sự nỗ lực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh dự buổi làm việc.
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 6%; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 57.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 3%.
Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 169/182 xã đạt chuẩn NTM; 4/10 huyện đạt chuẩn NTM; 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang.
Riêng trong năm 2020, tỉnh đã tiến hành sáp nhập 80 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giảm 46 ĐVHC cấp xã; giảm 1.084/2321 cán bộ, công chức, bán chuyên trách. Sau sáp nhập, các ĐVHC cấp xã hoạt động ổn định.
Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp; tạo được niềm tin, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân.
Đồng chí Lê Phước Thái - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang mong muốn Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã, đặc biệt là các cơ chế, chính sách tinh giản bộ máy, cán bộ thôn, tổ dân phố dôi dư.
Tuy nhiên, trong tháng 10/2020, Hà Tĩnh liên tiếp bị ảnh hưởng bão lũ, khiến hơn 53.000 hộ dân thuộc 118/216 xã, phường bị ngập sâu. Tổng thiệt hại lên đến gần 5.500 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực tập trung các nguồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt, sửa chữa hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sinh kế tái thiết cuộc sống cho Nhân dân; ban hành nghị quyết phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang chia sẻ bài học trong thu hút dự án đầu tư qua cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng thời tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chính trị năm 2020, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021; hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Đồng chí Trần Tú Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh thông tin về một số chính sách của tỉnh Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư.
Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu hai tỉnh đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh; thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã, giải quyết cán bộ thôn, tổ dân phố dôi dư; các cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Trịnh Văn Ngọc - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Đại biểu cũng chia sẻ một số bài học từ công tác xây dựng Đảng; kinh nghiệm xây dựng NTM với cách làm riêng của Hà Tĩnh trong bộ tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, phát huy sức mạnh đoàn kết, vai trò chủ thể của người dân; tạo môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn; xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu đã chia sẻ những thông tin khái quát về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Lê Tiến Châu cho rằng, mặc dù Hà Tĩnh và Hậu Giang ở hai vùng khác nhau, nhưng có những nét tương đồng trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển.
Chúc mừng kết quả Hà Tĩnh đã đạt được và thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX vừa qua, đồng chí Lê Tiến Châu khẳng định, Hà Tĩnh có nhiều cách làm hay để tỉnh Hậu Giang có thể học hỏi. Trong đó có những kinh nghiệm trong thực hiện sáp nhập ĐVHC cấp xã, công tác quy hoạch, xây dựng NTM, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Đồng chí Lê Tiến Châu cũng chia sẻ với những khó khăn mà Đảng bộ, chính quyền và bà con Nhân dân Hà Tĩnh đang gặp phải do lũ lụt. Đồng thời mong muốn, hai tỉnh tiếp tục giao lưu, kết nối để cùng phát triển trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trân trọng cảm ơn tình cảm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang dành cho Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng mong rằng thời gian tới, mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa 2 tỉnh sẽ ngày càng gắn bó hơn nữa.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Hà Tĩnh là tỉnh có truyền thống cách mạng, văn hóa và luôn chú trọng phát huy, khơi dậy truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết con người Hà Tĩnh. Đây cũng là lợi thế, tiềm năng góp phần giúp tỉnh nhà phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong quá trình xây dựng NTM, đô thị văn minh; khắc phục hậu quả, vượt qua thiên tai…
Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ một số cách làm hay của Hà Tĩnh trong công tác xây dựng Đảng như: việc thành lập các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sát sao từng địa phương trên mọi lĩnh vực; lấy phiếu ý kiến đa chiều để đánh giá cán bộ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên; thay thế, luân chuyển cán bộ nếu không đảm bảo năng lực, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ…
“Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong toàn Đảng bộ và sự giúp đỡ của các tỉnh bạn. Mong rằng thời gian tới, mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa 2 tỉnh sẽ ngày càng gắn bó hơn nữa và 2 địa phương thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau để cùng phát triển" - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu đã trao hỗ trợ 500 triệu đồng góp phần giúp tỉnh Hà Tĩnh khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trao tặng quà kỷ niệm cho đoàn công tác tỉnh Hậu Giang.