Video: Người dân xã Kỳ Phú lo lắng khi biển xâm thực làng mạc
Theo tìm hiểu của PV, toàn xã Kỳ Phú có 2,5 km đường bờ biển đi qua địa phận 2 thôn Kỳ Hải và Kỳ Phú. Tình trạng biển xâm thực vào đất liền ở 2 thôn trên xảy ra từ những năm 1998 cho đến nay.
Điều đáng nói là tình trạng này mỗi năm một tăng lên khiến hàng trăm hộ dân sống gần bờ biển vô cùng hoang mang lo lắng. Theo thống kê của UBND xã Kỳ Phú, trong khoảng 10 năm trở lại đây, biển đã xâm thực vào sâu đất liền khoảng 30m.
Lo sợ biển "nuốt" nhà bất cứ lúc nào, một số hộ dân đã đi khỏi làng
Biển xâm thực đã “nuốt trọn” rừng phi lao chắn sóng dọc bờ biển thuộc địa phận xã Kỳ Phú. Trước năm 2015, cánh rừng phi lao chạy dọc biển với diện tích rất lớn, nhưng đến nay chỉ còn lác đác một ít cây. Đặc biệt, sau cơn bão số 10 năm 2017, hầu hết diện tích rừng phòng hộ bị sóng cuốn phăng ra biển.
Ông Hoàng Văn Vinh (thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú) cho biết: “Trước đây, ngôi nhà của đứa cháu tôi ở lối thứ 3 tính từ biển vào chứ không phải ở lối 1 giáp biển như bây giờ. Sau cơn bão số 10 năm ngoái, cả gia đình nó phải chuyển đi nơi khác vì sóng biển đã lấn vào đến móng nhà. Không riêng gì gia đình cháu tôi mà trong thôn đã có hàng chục hộ phải dời đi chỗ khác sinh sống. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở thôn Phú Lợi bên cạnh cũng chịu tình cảnh tương tự”.
Biển "lấn" hàng chục mét đất thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú.
Theo ông Vinh, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân xã Kỳ Phú đã bày tỏ lo lắng về việc biển xâm thực, cần có bờ kè để bảo vệ làng. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ thì những mong mỏi của người dân vẫn chưa được đáp ứng, trong khi sóng biển ngày một áp sát gần nhà dân.
Đặc biệt, một số hộ dân không đủ điều kiện mua đất nơi khác để sinh sống thì buộc phải “gồng mình” bám trụ lại hoặc có hộ thì tự bỏ tiền túi ra để xây kè chắn sóng trước nhà. Tuy vậy, việc làm này chỉ như muối bỏ bể, mỗi trận bão đi qua, những tuyến kè được xây tự phát bị sóng biển đánh tan tành.
Một tuyến kè được người dân thôn Phú Hải bỏ tiền túi ra xây dựng nhằm tránh biển xâm thực, nhưng đến nay đã hư hỏng, xuống cấp.
Ông Nguyễn Xuân Hưởng (thôn Phú Lợi, xã Kỳ Phú) buồn rầu: “Cứ đến tháng 8, tháng 9 hằng năm, mỗi khi có cơn bão đi qua thì sóng biển lại cuốn trôi hết đất đai, vườn tược và nhà dân. Trước đây, làng chúng tôi ra phía ngoài kia, nhưng đến nay đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Những hộ dân có điều kiện họ đã mua đất nơi khác để sinh sống, còn những người nghèo thì cứ bám trụ lại đây, cũng không biết biển “nuốt” nhà mình bất cứ lúc nào”.
Hiện tượng biển lấn thực ở Kỳ Phú diễn ra mạnh nhất khi triều cường kết hợp với gió thổi mạnh tạo sóng lớn đổ vào bờ làm sạt lở, cuốn trôi đất và cây rừng. Mỗi năm, sóng biển lại cuốn trôi đi nhiều diện tích đất ở, đất nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ. Không biết cho đến khi nào, hàng trăm hộ dân ở hai thôn trên mới có thể an cư, lạc nghiệp được.
Thôn Phú Lợi cùng chung "cảnh ngộ" với thôn Phú Hải, biển xâm thực hàng năm.
Về vấn đề trên, ông Trần Đình Hậu - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cũng không khỏi lo lắng: “Từ nhiều năm qua, hơn 100 hộ dân ở thôn Phú Hải và thôn Phú Lợi nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Mong muốn của người dân nơi đây lúc này là được cấp đất để di dời hoặc cho xây dựng kè chắn sóng. Mặc dù chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí để làm bờ kè chắn sóng nhưng do thiếu ngân sách nên đến nay vẫn chưa được cấp.
Trước đây, việc cấp đất xen dắm để di dời các hộ dân vào bên trong được UBND tỉnh cấp phép, nhưng hiện nay chính sách này đã bị cắt. Vì thế, chúng tôi cũng mong UBND tỉnh cho chính sách riêng để sớm di dời các hộ ở vùng sạt lở vào bên trong sinh sống”.