Những ngôi nhà chênh vênh bên mép sông
Mùa mưa lũ đến cũng là lúc 94 hộ dân với 394 nhân khẩu của thôn Phú Hòa sống trong thấp thỏm lo âu bên dòng sông Tiêm do tình trạng sạt lở diễn ra ngày một trầm trọng.
Nằm ở mép cuối của nhánh sông Tiêm chảy về sông Ngàn Sâu, gia đình ông Nguyễn Ngà hiện nay đã bị nước lũ "ăn" 1/2 đất vườn và chuồng bò. Theo ghi nhận, nước sông đã "xé" mất một đoạn dài cổng và hiện bờ sông chỉ cách nhà ở khoảng 5m.
Nước lũ cuốn mất một phần tường rào, cổng, sân của gia đình ông Nguyễn Ngà
Đi dọc thôn Phú Hòa, không riêng gì gia đình ông Ngà mà các hộ như ông Phan Trọng Tộ, Lê Hữu Ngoạn, Phan Văn Anh, Trần Quốc Lưu... có nhà cửa, vườn nằm dọc bờ sông cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Những vết sạt lở kéo dài hàng chục mét, dựng thành vách đất cao, ăn sâu vào phần đất của các hộ dân. Nhiều hộ dân bị "ăn" mất cả nền nhà, nền sân, những lũy tre làng nằm chơi vơi giữa lòng sông.
Bờ sông ăn sát vào đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân thôn Phú Hòa.
Ông Phan Văn Phú - một người dân trong thôn cho biết: Mỗi khi mùa mưa lũ về, nước sông Tiêm dâng cao khiến cho đất đai dọc bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Tính trong 10 năm lại nay, kể từ trận lũ 2007 đến 2010, mỗi năm, trung bình địa phương hứng chịu từ 3-4 trận lũ, cá biệt có những năm 5 trận lũ liên tiếp, làm cho trên 14 ha của thôn Phú Hòa sạt lở nghiêm trọng.
Những vách đất dựng đứng, dần lấn sâu vào vườn các hộ dân
Chỉ tay vào cồn đất nổi giữa sông, chị Trần Thị Hậu xót xa: "Đất nhà tôi đến chỗ cồn đất đó. Nhưng chỉ trong vòng mấy năm, nước lũ đã ăn mất, giờ chỉ còn lại cồn đất nằm chơi vơi giữa lòng sông. Năm nay lũ chưa về, nhưng bà con chúng tôi lo lắm, nếu không có giải pháp kè bờ kịp thời thì chắc vài mùa lũ nữa, chúng tôi sẽ mất hoàn toàn đất ở".
Nơi từng là đất vườn của gia đình chị Hậu, nay chỉ còn lại một cồn đất nhỏ nằm chơi vơi giữa lòng sông
Theo lãnh đạo xã Hương Xuân, tình trạng sạt lở đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của hàng chục hộ dân thôn Phú Hòa. Tuy nhiên, để xây dựng bờ kè đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt ra ngoài khả năng của địa phương.
Mặt khác, quỹ đất ở lại đang thiếu nên chưa thể di chuyển các hộ dân đến khu vực khác sinh sống. Chính vì vậy, hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã lại tổ chức di chuyển tạm thời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng về địa điểm khác.