Ấn Độ không mua mà thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Việc phải thuê tàu ngầm hạt nhân cho thấy Ấn Độ vẫn chưa thành công với dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân trong nước như mong muốn song điều bất thường là Ấn Độ sẵn sàng thuê thay vì mua hoặc nhập khẩu hoàn toàn công nghệ tàu ngầm từ Nga.

Lực lượng tàu ngầm Ấn Độ

Ấn Độ hiện đang vận hành 14 tàu ngầm thông thường - 9 chiếc lớp Kilo, 4 chiếc lớp Typo 209, một chiếc duy nhất lớp Scorpene, cùng một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula INS Chakra II theo hợp đồng thuê của Nga và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo INS Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân mà nước này đã nỗ lực phát triển gần đây.

Ấn Độ không mua mà thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Tàu ngầm Scorpenes lớp Kalvari trong một lần thử nghiệm. Nguồn: wikipedia.org

Được biết, trước đây Ấn Độ đã có giấy phép đóng tàu ngầm HDW Type 209 (lớp Shishumar) vào những năm 80 và hiện đang trong quá trình đóng 6 chiếc Scorpenes (lớp Kalvari mới) của Naval Group Pháp. Nếu Dự án hợp tác với Nga Project 75 India (P75I) tiến triển, đây sẽ là dự án tàu ngầm được cấp phép chế tạo thứ ba của Ấn Độ và tàu ngầm Amur 1650 của dự án này sẽ cạnh tranh với Scorpene Pháp, HDW Typo 214 của Đức và Saab Kockums A26 của Thụy Điển.

Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, tiềm lực của Hải quân Ấn Độ vẫn kém khá xa so với các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ (70 tàu ngầm hạt nhân), Nga (gần 30 tàu ngầm hạt nhân), Trung Quốc (5 tàu ngầm hạt nhân và 51 tàu ngầm thông thường; ngoài ra, Bắc Kinh còn đang đóng thêm 5 tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 7.400km).

Trung Quốc từ lâu đã sở hữu được công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân - thực tế buộc Ấn Độ phải xúc tiến chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân nội địa của mình nếu không muốn tụt hậu trước hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài. Chương trình nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ là một phần trong chương trình phát triển các sản phẩm “Made in India” do New Delhi khởi động trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia, chương trình nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân và thời gian đào tạo thủy thủ cho đội tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ sẽ ngắn hơn so với các quốc gia khác vì nước này ít nhiều đã có kinh nghiệm làm việc với tàu ngầm hạt nhân thuê từ Nga và chắc chắn họ sẽ không làm điều này một mình mà sẽ hợp tác với một quốc gia khác.

Dự án tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ

Ấn Độ có kế hoạch chế tạo ít nhất 6 tàu ngầm hạt nhân với chi phí khoảng 12 tỷ USD. Nước này hiện đang thực hiện ba dự án tàu ngầm hạt nhân - SSBN lớp Arihant, SSN và lớp SSBN S-5 13.500 tấn nhưng vẫn chưa có khả năng răn đe trên biển của riêng mình. Chiếc đầu tiên là INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân có độ giãn nước gần 6.000 tấn, sử dụng lò phản ứng hạt nhân công suất 83MW do Ấn Độ tự đóng và đưa vào trang bị tháng 8/2016.

Năm 2017, chiếc thứ hai thuộc lớp Arihant, INS Arighat lớn hơn, cải tiến và được trang bị vũ khí tốt hơn, đã được Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Nirmala Sitharaman lặng lẽ hạ thủy. Tháng 10/2018, Ấn Độ thừa nhận INS Arihant đầu tiên của họ đã hoàn thành chuyến tuần tra đầu tiên. Hai chiếc SSBN tiếp theo, được xác định là S4 và S4*, hiện đang được đóng tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam, và có khả năng sẽ đi vào hoạt động trước năm 2024.

Hai chiếc này sẽ có trọng lượng choán nước ít nhất 1.000 tấn lớn hơn so với 6.000 tấn INS Arihant. Các tàu này sẽ có khả năng mang 8 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-4 (SLBM) tầm 3.500km (vẫn đang được thử nghiệm) trong khi INS Arihant chỉ có thể mang 4 tên lửa này. Con tàu lớp Arihant đầu tiên hiện được trang bị K-15 Sagarika SLBM tầm bắn 750km.

Ấn Độ không mua mà thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Tàu ngầm lớp Akula của Nga. Nguồn: wikipedia.org

Tuần tra ở Vịnh Bengal, INS Arihant không thể tấn công các trung tâm dân cư và công nghiệp ở Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu một tàu SSBN mới, đây sẽ là một cải tiến đáng kể so với lớp Arihant, được định danh là S-5, sẽ có lượng choán nước 13.500 tấn, gấp đôi so với tàu lớp Arihant và có khả năng mang 12 tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm xa.

Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Năm 1986, Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên cho thuê tàu ngầm hạt nhân khi Điện Kremlin đã ký một thỏa thuận với New Delhi cho thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Charlie trong 10 năm. Việc chuyển giao đi kèm với một số điều kiện của phía Liên Xô - tàu ngầm K-43, được đưa vào biên chế của Hải quân Ấn Độ với tên gọi INS Chakra, phải thực hiện các đợt kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ của Liên Xô; không được trang bị một số loại vũ khí nhất định và bị hạn chế nghiêm ngặt đối với các mục đích tấn công thời chiến; các bộ phận của INS Chakra phải được điều khiển hoàn toàn bởi nhân sự Liên Xô; binh sĩ Ấn Độ bị từ chối cho tiếp cận lò phản ứng.

Một phần do những hạn chế này, New Delhi đã chọn chấm dứt hợp đồng thuê, INS Chakra được trao trả cho Liên Xô vào năm 1990 và ngừng hoạt động một năm sau đó. Hợp đồng K-43 đổ vỡ một phần không nhỏ bởi vì các điều khoản khắt khe của Liên Xô đã bỏ qua lý do Ấn Độ quan tâm đến việc thuê K-43 là Hải quân Ấn Độ muốn có được các kinh nghiệm quý báu trong việc bảo trì và vận hành tàu ngầm hạt nhân; tìm cách tiếp cận các thiết kế lò phản ứng hạt nhân của Liên Xô.

Năm 2008, New Delhi đã đàm phán với chính quyền Putin về việc thuê một tàu ngầm tấn công hạt nhân khác, là K-152 từ lớp Akula, được đặt tên là INS Chakra II với hợp đồng trị giá 900 triệu USD. New Delhi dường như quan tâm nhiều hơn đến việc thuê dòng tàu ngầm mang tên lửa hành trình Yasen mới của Nga, nhưng không có tàu nào có sẵn - ngoài tàu Severodvinsk cũ hơn, tất cả các tàu ngầm Yasen-M mới vẫn đang trong các giai đoạn chế tạo và thử nghiệm khác nhau.

Akula là định danh NATO của tàu ngầm dự án 971 Shchuka-B - loại tàu ngầm hạt nhân có số lượng lớn nhất Liên Xô từng đóng (15 chiếc), được đưa vào biên chế chính thức vào năm 1986 (hiện nay chỉ còn 5 chiếc hoạt động). Các tàu ngầm thuộc Dự án 971 dài 113,3m, rộng 13,6m và mớm nước tối đa khi nổi 9,7m, trọng lượng 12.700 tấn, tốc độ khi lặn 65km/h, có thể lặn xuống độ sâu tối đa là 600m, thời gian hoạt động trên biển là 100 ngày với thủy thủ đoàn gồm 73 thành viên. Thiết kế Akula đã được hiện đại hóa với vũ khí trang bị mới, cảm biến cải tiến và giảm tiếng ồn hơn để cải thiện khả năng sống sót.

Đây là loại tàu ngầm tấn công nhanh, được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm (28 quả), 4 ống phóng ngư lôi 650mm (12 quả), 3 bệ phóng tên lửa phòng không Igla-M và 28 tên lửa hành trình RK-55 Granat lắp được đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn 3.000km, cùng khả năng triển khai tên lửa Kalibr. Nhằm tuân thủ Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR) cấm xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300km, Nga thay thế RK-55 Granat bằng hệ thống tên lửa đa năng Klub-S trước khi chuyển cho Ấn Độ.

Ấn Độ không mua mà thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga

Ấn Độ cũng có chương trình dóng tàu ngầm hạt nhân trong nước. Nguồn: defence.pk

Bất chấp sự khác biệt đáng kể về hoạt động giữa các tàu ngầm (tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo), Hải quân Ấn Độ đã sử dụng Chakra II để chuẩn bị các thủy thủ tàu ngầm của mình cho việc ra mắt dòng tàu ngầm lớp Arihant chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2016. Vì hợp đồng thuê Chakra II sẽ hết hạn sau vài năm, Ấn Độ đã thuê thêm một tàu lớp Akula được gọi là Chakra III, sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ vào năm 2025 như một phần hợp đồng trị giá 3 tỷ USD, bao gồm việc tân trang lại tàu ngầm với các bộ phận cảm biến và liên lạc của Ấn Độ.

Hai nước đang thỏa thuận điều khoản cho phép Ấn Độ cử chuyên gia tới Nga quan sát và hỗ trợ quá trình đại tu, hiện đại hóa tàu ngầm, góp phần giúp New Delhi làm chủ công nghệ đóng tàu. Chakra III sẽ được bố trí ở căn cứ trong Vịnh Bengal thuộc trung tâm đóng tàu Vishakapatnam - nơi chịu trách nhiệm đóng tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ với 2 chức năng - bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân được trang bị các tên lửa đạn đạo và theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc khi các tàu này thường xuyên xâm nhập trái phép khu vực Ấn Độ Dương với lý do hay được phía Trung Quốc đưa ra là chống nạn cướp biển.

Theo một quan chức cấp cao Ấn Độ, việc thuê thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân từ Nga không chỉ là điều khôn ngoan mà còn rất cấp thiết với an ninh quốc gia Ấn Độ, khi nó có thể tác chiến tại các vùng biển xa xôi, nơi tàu mặt nước và không quân hải quân không thể vươn tới. Ấn Độ phải thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga do công ước quốc tế cấm bán tàu ngầm hạt nhân tấn công. Theo giới phân tích, việc phải thuê tàu ngầm hạt nhân cho thấy Ấn Độ vẫn chưa thành công với dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân như mong muốn. Tuy nhiên, vấn đề bất thường là, Ấn Độ sẵn sàng thuê thay vì mua hoặc nhập khẩu hoàn toàn công nghệ tàu ngầm từ Nga.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast