Bất lực với Triều Tiên

Đối phó với mối đe dọa tên lửa hạt nhân Triều Tiên, Mỹ có thể gia tăng sức ép, đánh phủ đầu và thực hiện các chiến dịch bí mật.

Các lựa chọn

Việc Triều Tiên tăng cường năng lực tên lửa, hạt nhân dường như đang thách thức chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, người đã cam kết sẽ có chính sách cứng rắn với Triều Tiên. Giới chức Mỹ đang hối thúc hoàn tất việc rà soát lại chiến lược để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Các vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng đã khiến tình hình trở nên cấp bách hơn, làm dấy lên nhu cầu buộc Washington phải giải quyết thách thức an ninh này.

bat luc voi trieu tien

Triều Tiên liên tục tiến hành bắn tên lửa đạn đạo từ đầu năm 2017

Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết tất cả các lựa chọn đang được xem xét, từ việc thắt chặt các lệnh trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về giải trừ quân bị, tới việc đưa các vũ khí hạt nhân của Mỹ trở lại Hàn Quốc, và thậm chí không kích phủ đầu vào các bệ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Hầu hết các quan chức nhất trí dựa vào sức ép kinh tế và ngoại giao ngày một tăng lên, đặc biệt qua việc hối thúc Trung Quốc hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên, trong khi triển khai các hệ thống chống tên lửa tiên tiến ở Hàn Quốc và có thể là ở Nhật Bản.

Một quan chức Mỹ cho biết một trong số các khả năng đó là đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố. Việc này sẽ khiến Bình Nhưỡng, vốn đã hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề của Liên hợp quốc và các quốc gia đơn lẻ khác nhưng không đem lại nhiều hiệu quả, sẽ gánh chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt về tài chính. Các lệnh trừng phạt đó đã được xóa bỏ khi nước này được đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố hồi năm 2008.

bat luc voi trieu tien

Mỹ đẩy nhanh việc triển khai tên lửa THAAD tại Hàn Quốc

Hiện tại, các quan chức Mỹ cho rằng việc tiến hành đòn quân sự phủ đầu sẽ vô cùng rủi ro, bởi nó sẽ kích động cuộc chiến khu vực và gây nhiều thương vong ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như trong số hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở hai nước đồng minh này.

Các chuyên gia từ lâu đã cho rằng hiện không hề có giải pháp đơn giản nào. Robert Manning, nhà phân tích cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói: “Vấn đề ở đây là mặc dù tất cả mọi người nói rằng Triều Tiên là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ngoài việc củng cố hành động răn đe và áp dụng các lệnh trừng phạt cứng rắn để loại Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế, thì trong ngắn hạn gần như không có biện pháp nào mà không có nguy cơ kích động chiến tranh”.

Một nguồn tin trong Chính phủ Mỹ cho biết ông Trump cũng có thể lựa chọn tăng cường các cuộc tấn công mạng và các hành động bí mật khác nhằm làm xói mòn ban lãnh đạo Triều Tiên.

Trung Quốc và canh bạc của Mỹ

Các quan chức cho biết việc rà soát lại chiến lược sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 3/2017. Tuy nhiên, các quyết định này có thể sẽ bị đình chỉ thực hiện bởi tiến độ “chậm chạp” của ông Trump trong việc bổ nhiệm các vị trí an ninh quốc gia.

Mặc dù các quan chức đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thuyết phục Trung Quốc hành động nhiều hơn để gây sức ép với Triều Tiên, nhưng phản ứng đầu tiên của ông Trump trước các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lại là bắt đầu lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân ở Hàn Quốc khiến Bắc Kinh nổi giận.

Các nhà ngoại giao cho rằng dù động thái này có thể trấn an các đồng minh của Mỹ nhưng sẽ phản tác dụng bởi nó chọc giận Trung Quốc, vốn coi hệ thống này là một mối đe dọa, và khiến họ không muốn tăng cường các lệnh trừng phạt với nước láng giềng Triều Tiên.

bat luc voi trieu tien

Ngày 7/3, Triều Tiên công bố hình ảnh phóng một lúc 4 tên lửa đạn đạo xuống biển Nhật Bản

Một quan chức chính phủ nói: “Bạn phải điều chỉnh và cân nhắc tất cả các lựa chọn dựa trên thực tế. Khả năng đưa ra được các lệnh trừng phạt mạnh mẽ và có hiệu quả hơn trước sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của Trung Quốc”.

Chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho rằng Trung Quốc có thể đóng cửa các ngân hàng có giao dịch tài chính ngầm với Triều Tiên, khởi tố các công ty bình phong hỗ trợ giao dịch, cắt nguồn xuất khẩu dầu mỏ và trục xuất các lao động Triều Tiên.

Theo bà Glaser, hiện không hề có sự lựa chọn quân sự nào có hiệu quả. Mặc dù các cuộc đàm phán trong quá khứ đã thất bại, nhưng bà sẽ không hề ngạc nhiên nếu ông Trump muốn thử các biện pháp ngoại giao.

bat luc voi trieu tien

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Triều Tiên khó có thể sớm bắt đầu trở lại. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Trump nói rằng hiện đã quá muộn để tiến hành đàm phán với Triều Tiên bởi ông đang rất tức giận trước vụ phóng tên lửa của họ tháng trước.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng bác bỏ khả năng nối lại đàm phán với Triều Tiên, dù bà nói rằng Mỹ đang xem xét lại “tất cả lựa chọn có thể” để đối phó với Triều Tiên.

Evans Revere, người từng là nhà ngoại giao cấp cao đàm phán với Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng Washington nên gây sức ép với Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt, triển khai quân đội và các chiến dịch bí mật. Tuy nhiên, đây sẽ là canh bạc đầy rủi ro mà Mỹ sẽ phải cân nhắc.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast