Cuộc chiến thông tin nhằm vào Nga bắt đầu rạn nứt

“Cuộc chiến thông tin” của châu Âu về vấn đề Crimea gay gắt kể từ tháng 3/2014, thời điểm Crimea tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.

Crimea là vấn đề nhạy cảm giữa Nga và châu Âu kể từ khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014. Các nước châu Âu không công nhận Crimea là một phần của Nga. Trong khi Nga nói rằng, đây là ý muốn của người dân Crimea và Moscow không thể thay đổi được điều này.

cuoc chien thong tin nham vao nga bat dau ran nut

Crimea là vấn đề nhạy cảm giữa Nga và các nước phương Tây. Ảnh: Sputnik

Cuộc chiến thông tin rạn nứt

Châu Âu đã đưa ra những biện pháp trừng phạt và cả một chiến dịch thông tin tuyên truyền nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Crimea. Tuy nhiên, gần đây, nhiều quan chức châu Âu cho rằng, những biện pháp trừng phạt có vẻ như không có hiệu quả, trong khi nhiều thông tin về Crimea dường như đang bị cố tình đưa không đúng với thực tế.

Ông Vadim Kolesnichenko, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Quốc tế của đồng bào Nga Vadim Kolesnichenko đã đưa ra tuyên bố này khi đoàn nghị sỹ Đức đang có chuyến thăm bán đảo Crimea. Theo ông, rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong “cuộc chiến thông tin” nhằm vào Nga về vấn đề Crimea.

“Các doanh nhân, các nghị sỹ và các cá nhân đều đặn tới thăm Crimea. Tất nhiên, sẽ còn nhiều hơn thế. Những thành công của ngoại giao nhân dân là bằng chứng: Sẽ ngày càng có nhiều dòng vốn đổ vào Crimea và nhiều người sẽ quan tâm hơn tới bán đảo này. Việc trừng phạt Nga về vấn đề Crimea đang gây ra ngày càng nhiều bất mãn ở châu Âu”, ông Kolesnischenko nói.

Theo ông Kolesnichenko, những tư tưởng phản đối Crimea thuộc Nga hay chống Nga đang dần chia rẽ. Tuy nhiên, ông thừa nhận, sẽ phải mất một thời gian những tư tưởng này mới có thể giảm bớt, do vẫn còn những định kiến và yếu tố chính trị trong cuộc chiến chống lại Nga, vốn bị dấy lên bởi chính sách trừng phạt mà phương Tây đề xuất nhằm vào Moscow.

Nhiều đối tác châu Âu tới Crimea

Ngày 3/2, một nhóm nghị sỹ Đức đã tới Crimea. Phát biểu với báo giới, ông Hugh Bronson, thành viên của nhóm nghị sỹ Hạ biện Berlin nhấn mạnh rằng, phái đoàn Đức muốn gửi đi một thông điệp đặc biệt bằng chuyến thăm tới Crimea.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Yuri Gempel, Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea phụ trách lĩnh vực quan hệ giữa các dân tộc, người đứng đầu cộng đồng người Đức ở Crimea cho hay, trong chuyến thăm chính thức tới bán đảo này, các nghị sĩ Đức rất ngạc nhiên về chất lượng đường sá.

“Các vị khách của chúng tôi rất hài lòng với chuyến thăm này. Họ đã tận mắt thấy rằng, ở Crimea không có mối đe dọa về sự thiếu hụt lương thực do các biện pháp trừng phạt. Ấn tượng trong lần đầu tiên họ tới bán đảo này là rất tốt”, ông Gempel cho biết.

Ông cho biết thêm: “Khi tôi lái xe đón họ từ sân bay về, họ nói rằng, trước chuyến thăm họ đã nghe nói đường sá ở Crimea là rất xấu, nhưng thực tế lại không phải như vậy, vì đường sá ở đây rất tốt. Tôi đã giải thích với họ rằng, hệ thống đường sá ở Crimea được xây dựng và sửa chữa rất tích cực trong 4 năm qua”.

Tuy nhiên, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrei Melnyk đã nói rằng, chuyến thăm Crimea của phái đoàn nghị sĩ Đức có thể dẫn đến tới việc họ phải gánh chịu “những hậu quả pháp lý nghiêm trọng”.

Trong khi đó, ông Gempel nhấn mạnh rằng, giới chức Ukraine không thể ngắt quãng việc phát triển quan hệ hữu nghị và đối tác giữa Crimea và các đại diện Đức tới thăm Crimea.

Quan hệ giữa Nga và EU xấu đi vì khủng hoảng chính trị Ukraine dẫn tới cuộc đảo chính ở Kiev hồi tháng 2/2014. Việc Crimea sáp nhập vào Nga cũng khiến Mỹ và EU áp dụng các vòng trừng phạt nhằm vào Moscow.

Kremlin đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc nước này can thiệp vào vấn đề nội bộ của Kiev và chỉ ra rằng, nguyện vọng của người dân Crimea đã thể hiện trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, và những lời lẽ phản đối từ chính quyền Ukraine, một số đoàn đại biểu của nhiều nước như Đức, Pháp, Italia đã đến thăm bán đảo này./.

Theo Sputnik/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast