Lính Mỹ khổ luyện trong tuyết Bắc Cực phòng Nga

Trang Global Security vừa đăng tải những hình ảnh đặc nhiệm SEAL Mỹ được trang bị tối tân huấn luyện trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Bắc Cực.

Đặc nhiệm SEAL ra đời trong năm 1962, là đội đặc nhiệm thuộc Hải quân và Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt Mỹ (US SOCOM). Thành viên SEAL được tuyển chọn rất khắt khe từ các đơn vị Hải quân Mỹ.

Họ phải trải qua 3 giai đoạn đào tạo với tổng thời gian 61 tuần. Và chỉ khoảng 10% các ứng viên vượt qua khóa đào tạo để trở thành lính đặc nhiệm SEAL thực thụ.

Lính Mỹ khổ luyện trong tuyết Bắc Cực phòng Nga

Đặc nhiệm Mỹ huấn luyện tại Bắc Cực.

Quy trình đào tạo rất khắc nghiệt chính là một trong những yếu tố tạo nên tiếng tăm của SEAL. Họ đã trở thành một chuẩn mực của các đội đặc nhiệm trên thế giới. Rất nhiều nước tổ chức xây dựng, huấn luyện theo cơ cấu của SEAL.

Cùng với việc huấn luyện binh lính, nhằm tạo ra loại phương tiện chiến đấu tốt nhất có thể hoạt động tốt tại Bắc Cực, Mỹ cũng cho tiêm kích F-35B thử sức với thời tiết băng giá.

Cuộc thử nghiệm với phiên bản tiêm kích F-35B được thực hiện tại Phòng nghiên cứu khí hậu đặt ở căn cứ không quân Eglin ở bang Florida (Mỹ).

Tại đây, khả năng hoạt động của F-35B được đánh giá trong những môi trường thời tiết khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm đã cho những thông tin đáng buồn cho Mỹ khi hầu hết máy móc thiết bị đều biến thành một “que kem khổng lồ”.

Dường như khí hậu vẫn là một tấm lá chắn hiệu quả của nước Nga và Mỹ cần phải bỏ rất nhiều công sức, tiền của để có thể cải thiện khả năng tác chiến trong điều kiện băng giá nếu muốn tranh đua với Nga ở Bắc Cực.

Việc Mỹ liên tiếp thử sức với khí hậu Bắc Cực có liên quan đến những bước đi dồn dập của Nga tại đây. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga vừa có bước đi quan trọng để khẳng định sức mạnh quân sự tại Bắc Cực khi thành lập Lữ đoàn Bộ binh cơ giới Bắc Cực.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới Bắc Cực số 80 có đại bản doanh tại làng Alakurtti, sát biên giới với Phần Lan. Sắc lệnh thành lập đơn vị này được Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga ký cách đây một năm, tuy nhiên đến thời điểm này Nga mới chính thức thành lập.

Sự ra đời của Lữ đoàn bộ binh cơ giới Bắc Cực số 80 được đánh dấu bằng lễ bàn giao cờ chiến đấu. Lữ đoàn mới nằm trong thành phần Bộ Chỉ huy chiến lược thống nhất Hạm đội Phương Bắc như một chiến đoàn riêng. Trên thực tế, tại làng Alakurtti đang hình thành căn cứ quân sự bảo vệ các lợi ích của Nga ở Bắc Cực.

Tư lệnh Lữ đoàn bộ binh cơ giới Bắc Cực số 80, ông Ilya Pavlovsky cho biết các điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực sẽ dạy cho người lính cách tồn tại, di chuyển dưới trời tuyết và điều khiển các phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Trước khi thành lập Lữ đoàn bộ binh cơ giới, TASS dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, một lực lượng không quân và phòng không lục quân hỗn hợp sẽ được thành lập và triển khai tại Bắc Cực.

“Bộ tư lệnh chiến lược liên hợp tại Bắc Cực hiện đang đặt tại Hạm đội phương Bắc của Nga, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở khu vực này trong mọi hình thức xung đột vũ trang”, ông Gerasimov phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24.

“Chúng tôi đã biên chế một sư đoàn phòng không cho hạm đội này, và chúng tôi sẽ thành lập một lực lượng không quân và phòng không lục quân hỗn hợp tại đó”, ông nói và cho biết thêm rằng Bộ Quốc phòng Nga sẽ thành lập một trung tâm huấn luyện chuyên biệt cho binh lính thực hiện nghĩa vụ quân sự tại khu vực Bắc Cực.

Trước đó, Bộ quốc phòng nước này cũng đã thành lập Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực hỗn hợp dựa trên cơ sở của Hạm đội phương Bắc và đã đi vào hoạt động. Việc thành lập lực lượng không quân tại Bắc Cực cũng thuộc một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này ở Bắc Cực.

Bộ tư lệnh mới này, mang tên Bộ Tư lệnh phương Bắc, sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, 2 lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, cùng với các đơn vị không quân và phòng quân, và đã bắt đầu vận hành vào năm 2017.

Theo Tuấn Vũ/Baodatviet

Chủ đề Vũ khí quân sự

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast