Mỹ đang làm “mất lòng” các đồng minh ở châu Á

Theo hãng tin Ria Novosti, sau mối bất hòa với Philippines, lại xuất hiện thêm một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á chỉ trích gay gắt Mỹ.

my dang lam mat long cac dong minh o chau a

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền Campuchia cáo buộc Mỹ áp dụng chính sách "tàn nhẫn", cũng như "can thiệp vào công việc của nước khác".

Căng thẳng này liên quan tới sự hỗ trợ mà Washington cam kết dành cho phe đối lập Campuchia trước thềm bầu cử, kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn cản liên minh giữa Campuchia và Trung Quốc.

Lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ

Mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia đang trở nên xấu đi nhanh chóng ngay trong năm 2017. Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, được ấn định vào tháng 7/2018, đang đến gần.

Chính quyền Campuchia cho rằng Washington đặt hy vọng vào đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập, vốn đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại các thành phố.

Các cuộc bầu cử xã, phường tại Campuchia diễn ra cách đây mấy tháng đã mang thành công cho lực lượng đối lập với chính phủ đương nhiệm. Tuy nhiên, đa số cử tri Campuchia đang sống ở các vùng nông thôn lại ủng hộ Thủ tướng Hun Sen, người thừa kế Đảng Cộng sản trước đây.

Là đồng minh truyền thống của Trung Quốc, ông Hun Sen xây dựng mối quan hệ với Bắc Kinh dựa vào sự thống nhất các nhiệm vụ đang đặt ra đối với 2 nước này.

Cả 2 quốc gia đang tiếp tục chuyển đổi từ mô hình xã hội chủ nghĩa có điều kiện sang chế độ tư bản chủ nghĩa điều kiện tương đương, trong khi đó không từ bỏ các thể chế chính quyền mạnh.

Đề xuất của phe đối lập Campuchia là phát triển đất nước đi theo phương Tây, gia nhập nhóm quốc gia chống Trung Quốc. Điều này đối với ông Hun Sen là không thể chấp nhận được.

Hồi những năm 1990 và 2000, tổ chức phi thương mại Viện Dân chủ Quốc gia (NED) do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright lãnh đạo có ảnh hưởng đặc biệt tại Campuchia.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen đã tìm ra cơ hội hợp pháp để cấm mọi hoạt động của NED do chưa được đăng ký tại nước này.

Cùng với NED, 3 tờ báo liên quan tới Mỹ cũng bị đe dọa. Một trong số đó là tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily bị Chính quyền Campuchia yêu cầu thanh toán khoản thuế lên tới 6 triệu USD, nếu không họ phải ra đi.

"Trò chơi" lớn ở Đông Dương

Bước chuyển đột ngột đầy bất ngờ từ lời nói tới hành động trong mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ là kết quả của sự kết hợp các vấn đề trong nước với bối cảnh đối ngoại căng thẳng. Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sóng gió.

Washington đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Bắc Kinh. Trong khi đó, các máy bay Mỹ cũng thực hiện nhiều chuyến bay quan sát trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc coi là phần lãnh thổ của mình. Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo Campuchia nhất định buộc phải đưa ra sự lựa chọn.

Theo ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương Viện phương Đông học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, “Trung Quốc đang hỗ trợ tài chính cho Campuchia và trong trường hợp này, ông Hun Sen buộc phải thể hiện rõ hơn lập trường của mình.

Thực tế, ông Hun Sen đã cầm quyền hơn 30 năm và Mỹ gọi chế độ của ông là bán độc tài. Tuy nhiên, tại Campuchia đang diễn ra các cuộc bầu cử, đảng cầm quyền có thể bị đánh bại, và lần này tình hình trước cuộc tổng tuyển cử đang hết sức căng thẳng".

Chuyên gia Mosyakov cho rằng Washington đang đặt kỳ vọng vào giới quyền uy mới lên nắm quyền tại Campuchia để làm phức tạp hóa các mối quan hệ của quốc gia này với các nước láng giềng. Hiện CNRP đang nhận tiền tài trợ từ Mỹ.

Với vai trò là nhà lãnh đạo đất nước, ông Hun Sen đã có phản ứng theo cách riêng của mình. Theo giới chuyên gia, "ngõ cụt" đang hiện rõ khi hệ thống lưỡng đảng tại Campuchia diễn biến phức tạp.

Phe đối lập cáo buộc chính quyền thao túng các cuộc bầu cử song lại tự mình làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn khi thể hiện thái độ bất mãn, vô trách nhiệm liên quan tới chương trình nghị sự của chính mình.

Không khách sáo với Mỹ

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin RIA Novosti, Giám đốc Trung tâm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trực thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Moskva (MGIMO) Victor Sumskiy cho rằng ông Hun Sen đang phát đi tín hiệu với phe đối lập trước thềm bầu cử.

Nhà phương Đông học Victor Sumskiy nhấn mạnh: “Thực tế, mối quan hệ giữa Phnom Penh và Bắc Kinh mang tính chất rất gần gũi và tin tưởng là điều hoàn toàn không có gì mới. Thật khó có thể hình dung rằng khi chuẩn bị những phát biểu gay gắt như thế về đường lối chính trị của Mỹ, Chính quyền Campuchia không thảo luận về giọng điệu và nội dung các phát biểu với các đối tác Trung Quốc”.

Phnom Penh muốn cho người Mỹ hiểu rõ ràng rằng những người được Washington đỡ đầu ở Campuchia trước thềm bầu cử năm 2018 nếu vượt qua giới hạn đỏ nào đấy thì họ sẽ "không khách sáo"

Theo BNews

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast