Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine

Nga liên tục cảnh báo rằng trang bị vũ khí mới cho Ukraine sẽ khơi mào chiến tranh thế giới, nhưng Mỹ tiếp tục thách thức các lằn ranh đỏ đó.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng trước giúp Ukraine nhận tiêm kích F-16 từ các đồng minh đánh dấu một lần nữa Washington vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra. Lãnh đạo Nga từng nhiều lần tuyên bố rằng việc chuyển giao F-16 sẽ làm thay đổi cuộc xung đột, đồng thời kéo Washington và Moskva vào một cuộc đối đầu trực diện.

Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) đón người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Kiev hôm 20/2. Ảnh: AFP

Đây không phải cảnh báo đầu tiên Nga đưa ra kể từ khi cuộc xung đột bùng phát. Mỹ ban đầu tỏ ra thận trọng với nguy cơ leo thang xung đột và châm ngòi đụng độ trực tiếp với Nga, nhưng dần dần vượt qua các lằn ranh của Nga với cấp độ ngày càng cao hơn.

Trong giai đoạn đầu xung đột, Mỹ chuyển giao cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin và phòng không Stinger, giúp Kiev đẩy lùi lực lượng Nga ở miền bắc. Sau đó, Washington lần lượt cung cấp pháo phản lực hạng nặng HIMARS, hệ thống phòng không tiên tiến, máy bay không người lái (UAV), trực thăng, xe tăng M1 Abrams và sắp tới là các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Các quan chức Mỹ cho rằng lý do chính khiến chính quyền Biden phớt lờ những “lằn ranh đỏ” của Nga bắt nguồn từ thực tế rằng Moskva đã không thể hiện thực hóa những lời đe dọa mà họ đưa ra với phương Tây từ đầu cuộc xung đột. Điều đó khiến các lãnh đạo Mỹ và châu Âu tin rằng họ có thể tiếp tục thách thức Nga mà không dẫn đến bất kỳ hậu quả nào. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây vẫn là một canh bạc mà phương Tây cần thận trọng.

“Nga đã không ít lần tự làm suy yếu lằn ranh đỏ của mình bằng cách nói rằng điều gì đó là không thể chấp nhận được, nhưng sau cùng, họ vẫn không làm gì để ngăn chúng xảy ra”, Maxim Samorukov, chuyên gia về Nga từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, nhận xét. “Nhưng chúng ta không biết lằn ranh đỏ thực sự của Nga là gì. Nó nằm trong đầu của một người và có thể thay đổi theo thời gian”.

Nhiều quan chức Mỹ cho biết quản lý nguy cơ leo thang xung đột vẫn là một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với Tổng thống Biden khi đối phó cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Ukraine có cần nó không? Họ có thể sử dụng nó không? Chúng ta có nó không? Phản ứng của Nga sẽ là gì?”, một quan chức cấp cao giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ 4 yếu tố chính mà Nhà Trắng tập trung xem xét mỗi khi quyết định cung cấp một loại vũ khí mới cho Ukraine.

Quan chức này cho hay phản ứng kém mạnh mẽ từ Nga đã tác động tới tính toán của Ngoại trưởng Antony Blinken, người luôn thúc giục chính quyền Mỹ và các đồng minh làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine.

“Điều này luôn được tính đến trong quá trình ra quyết định”, ông nói thêm. “Nếu chúng ta làm điều gì đó mà đối phương không có bất kỳ phản ứng nào hay không khiến tình hình leo thang thêm, vậy liệu chúng ta có nên thực hiện bước kế tiếp? Chúng tôi luôn cân nhắc câu hỏi trên và nó trở thành công việc khó khăn nhất”.

Giống Ngoại trưởng Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng tin rằng lợi ích của việc tăng cường cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine lớn hơn nguy cơ leo thang căng thẳng. Ông là một trong những người làm việc tích cực nhất với các đồng minh châu Âu trong nỗ lực chuyển tiêm kích F-16 cho Kiev.

Khi bắt đầu chiến dịch ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, Tổng thống Putin đã cảnh báo bất kỳ quốc gia nào cố gắng cản trở lực lượng của ông “cần biết rằng Nga sẽ ngay lập tức phản ứng và dẫn đến những hậu quả mà bạn chưa từng thấy trong lịch sử”.

Nhưng Nga gần như không có phản ứng nào trên thực địa khi Mỹ và các đồng minh châu Âu chuyển giao các loại tên lửa chống tăng, phòng không hiện đại cho Ukraine. Những vũ khí này được coi là yếu tố quan trọng giúp Ukraine đảo ngược cục diện chiến trường, đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Nga ở giai đoạn đầu.

Khi chiến sự tiếp tục kéo dài, những lời đe dọa từ Nga ngày càng quyết liệt hơn, ngụ ý về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu Nga thất bại trên chiến trường.

“Nếu Nga cảm thấy toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các biện pháp phòng thủ mà mình có. Và đây không phải một lời hù dọa”, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố hồi tháng 9 năm ngoái.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi tháng một còn tuyên bố thẳng thừng hơn khi cảnh báo “việc một cường quốc hạt nhân thất bại trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân”.

Nga thực sự cũng có một số động thái thách thức Mỹ, như đình chỉ tham gia hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START, kết án tù phóng viên Evan Gershkovich của báo WSJ hay ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner. Dù vậy, Moskva chưa có động thái đe dọa quân sự thực sự nào đối với phương Tây.

Theo các quan chức Mỹ, một lý do khiến nước này tự tin khi thử vượt qua các lằn ranh đỏ của Moskva bắt nguồn từ nhận định rằng quân đội Nga đang suy yếu sau hơn 15 tháng chiến sự ở Ukraine.

“Hiện tại, Nga không có lợi khi đối đầu trực tiếp với NATO”, một quan chức cấp cao Mỹ cho hay. “Moskva không ở vào vị thế thuận lợi để làm vậy”.

Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Nga ở Ukraine

Tổng thống Putin trong cuộc họp ở thủ đô Moskva của Nga hôm 26/5. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Foreign Affairs rằng quân đội Nga đã tổn thất khoảng 250.000 người trong xung đột ở Ukraine. Nga đã phải phát lệnh động viên một phần, huy động lực lượng quân dự bị để thay thế họ, nhưng đội quân này “thiếu kinh nghiệm, trang bị kém và không được huấn luyện chuyên sâu”.

Khi thiệt hại của Nga tăng lên, Tổng thống Putin phải điều chỉnh lại các mục tiêu của mình, từ nỗ lực chiếm Kiev sang kiểm soát và sáp nhập lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine .

Giới quan sát đánh giá việc chính quyền Biden sẵn sàng thách thức lằn ranh đỏ của Tổng thống Putin rõ ràng đã tạo điều kiện cho Ukraine kháng cự và phản công giành lại một phần lãnh thổ. Nhưng các quan chức phương Tây nhận thức rõ rằng việc Moskva chưa có hành động đáp trả quyết liệt không đồng nghĩa là họ sẽ không bao giờ làm vậy.

“Nga có những lằn ranh nhất định mà họ không cho phép phương Tây vượt qua, nhưng chúng ta không có cách nào biết nó chính xác là gì, chính điều này đã tạo ra rủi ro”, Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu, trụ sở tại Berlin, Đức, bình luận.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast