Những thách thức mới nổi của EU về cung cấp vũ khí cho Ukraine

Cùng nhau mua vũ khí thể hiện một bước tiến mới quan trọng đối với EU, nhưng các quốc gia thành viên trong những tuần qua vẫn tranh cãi về nhiều vấn đề nổi cộm.

Những thách thức mới nổi của EU về cung cấp vũ khí cho Ukraine

Kế hoạch đạn dược của EU cho Ukraine gặp vấn đề. Ảnh: EPA

Theo tờ Politico ngày 20/3, lo lắng về việc một liên minh hòa bình dần trở thành một bên trung gian vũ khí đang nổi lên ở EU.

Các nhà lãnh đạo EU đang đặt mục tiêu trong tuần này là ký kết một kế hoạch trị giá 2 tỷ euro, trong đó các quan chức lập luận rằng sẽ cho phép những nước thành viên nhận lại tiền để gửi đạn dược rất cần thiết cho Ukraine và tài trợ cho các giao dịch mua chung trong tương lai nhằm tiếp tục cung cấp đạn pháo cho Kiev. Những người ủng hộ kế hoạch này hy vọng đó là sự khởi đầu về việc EU trở thành nhà đàm phán vũ khí cho châu Âu.

Kế hoạch này đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với EU - một liên minh được thành lập như một dự án hòa bình hiện đang sẵn sàng mua và gửi vũ khí cho một quốc gia đang có xung đột.

Nhưng việc đề ra kế hoạch là một chuyện. Thu hút mọi người tham gia là một việc khác.

Đầu tiên là vấn đề thời gian. Ukraine hiện đang cần nhiều vũ khí hơn, đặc biệt là đạn pháo 155 mm mà lực lượng tiền tuyến đang bị tiêu hao mạnh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của EU sẽ cần nhiều tháng để có được năng lực đáp ứng với nhu cầu của Kiev.

Vấn đề tiếp theo là tiền. Mặc dù EU dường như đã có 2 tỷ euro ban đầu, nhưng điều đó sẽ chỉ giải quyết các nhu cầu cấp bách về đạn dược và mua chung đạn dược trước mắt. EU cũng đang định hình một kế hoạch dài hạn để thúc đẩy sản xuất công nghiệp quốc phòng vốn sẽ cần thêm hàng triệu euro nữa. Với lạm phát cao và nền kinh tế trì trệ, đó sẽ là một thương vụ khó khăn.

Tuy nhiên, vấn đề lớn khác có thể là ý thức hệ. Khi EU chuyển sang tích hợp chiến lược quốc phòng của châu Âu, các quốc gia đang lo lắng về việc trao thêm quyền lực cho Brussels.

“Vấn đề là các nước đều muốn đảm bảo rằng họ nhận được trang thiết bị của mình trước tiên và vẫn mua sắm theo các ưu tiên của từng quốc gia”, Hannah Neumann, một thành viên Nghị viện châu Âu của Đức cho biết.

Những thách thức trên được thảo luận vào ngày 20/3 khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tập trung tại Brussels để xem xét và có thể khởi động kế hoạch. Hôm 19/3, các đại sứ EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn 155 mm - số lượng mà Ukraine đề nghị - trong năm tới.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ nêu ra vấn đề trên vào cuối tuần này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.

Trọng tâm đề xuất của EU là Quỹ Hòa bình châu Âu, một khoản tiền mà khối này đã và đang sử dụng để trả lại một phần cho các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine. Các quan chức hiện đang xem xét sử dụng 2 tỷ euro từ quỹ để trang trải cả viện trợ đạn dược cho Ukraine, cũng như các đơn đặt hàng chung để bổ sung những nguồn cung cấp đó trong EU.

Sau đó, EU cũng tìm kiếm những cách dài hạn hơn để nâng cao năng lực của châu Âu trong việc sản xuất không chỉ đạn pháo mà tất cả các loại thiết bị quân sự. Điều đó sẽ yêu cầu thêm tiền.

Về nguyên tắc, khối đã ủng hộ ý tưởng về một kế hoạch mua sắm chung - một đề xuất tương tự chiến lược tiêm chủng COVID-19 mà EU đã thực hiện cùng nhau và mua chung vaccine.

Lý do được đưa ra là EU đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp tương tự. Xung đột đang cận kề, nguồn cung cấp cho Ukraine đang cạn kiệt và châu Âu đang lo lắng về việc liệu họ có thể tự bảo vệ mình khi cần hay không.

Ukraine đã đề nghị 1 triệu quả đạn pháo 155 mm trong cuộc đối đầu với Nga. Nhưng EU chỉ có thể sản xuất 300.000 quả đạn pháo loại này mỗi năm, mà theo ước tính của Estonia sẽ cần 4 năm mới đáp ứng được yêu cầu trên của Kiev, và điều này đã giúp thúc đẩy cuộc thảo luận mua vũ khí chung.

Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia đồng ý rằng họ muốn tăng cường sản xuất đạn dược và hỗ trợ Ukraine, thì vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi, theo một số nhà ngoại giao.

Một số câu hỏi cơ bản tiếp tục nổi lên: Các hợp đồng vũ khí do EU đàm phán có nên chỉ dành cho các công ty EU hay các quốc gia có thể khai thác các công ty bên ngoài? Những người khác thì đặt câu hỏi: Ai sẽ điều hành các nỗ lực đó: Các cơ quan EU hay ở cấp quốc gia?

Và một vấn đề rất nhạy cảm là trong trường hợp tất cả các nước đồng ý mua sắm chung, thì để xác định ai có thể quyên góp đạn dược và ai cần bổ sung thêm, trước tiên mỗi quốc gia phải cho biết họ có bao nhiêu - thông tin này sẽ khiến một số nước không muốn chia sẻ.

Cuối cùng là về ngành công nghiệp quốc phòng. Cho đến nay, EU đã xác định được 15 nhà sản xuất ở11 quốc gia thành viên có thể sản xuất đạn pháo. Nhưng liệu các công ty này có thể đáp ứng hạn ngạch mong muốn của EU hay không, đặc biệt là với tốc độ mà các quốc gia mong muốn, vẫn là một câu hỏi mở.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.