Bộ Công Thương khẳng định đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa quyết định đưa ra bàn cùng tập thể Ban cán sự Bộ Công Thương thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc bộ máy nhân sự.
Theo đó, phương án xây dựng cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2020 đưa ra theo hướng giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.
Cụ thể, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và hai vụ; Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), sẽ nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại Tp.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương.
Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành hai Vụ châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về hai Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.
Trước đó, Tổ công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương truyền đạt lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải trình 8 vấn đề nóng trong đó có việc cải cách bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay của ngành công thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ là một trong những cơ quan đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy, đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Đồng thời, Bộ sẽ quyết liệt cải cách thể chế, ban hành nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ về thủ tục dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất mà còn trong hàng loạt lĩnh vực như phân bón, khí hóa lỏng...