Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ai?

(Baohatinh.vn) - Ông sinh năm 1912 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Không một ngày qua trận mạc, nhưng ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ai?
A: Hoàng Xuân Hãn
B: Phan Anh
C: Vũ Đình Hòe
D: Trần Quốc Hoàn

Giải thích

Phan Anh sinh ngày 1/3/1912 tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thân phụ của ông là nhà nho Phan Điện. Dù sớm mồ côi mẹ, phải theo cha lưu lạc khắp nơi, cuộc sống khó khăn, vất vả song Phan Anh cùng người em trai là Phan Mỹ rất chịu khó học tập để tự vươn lên bằng con đường học vấn. Năm 1945, Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim (một cách gọi khác của Bộ Quốc phòng). Tháng 3/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, mời giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cho tới khi bàn giao lại chức vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp vào tháng 11/1946. Người em trai Phan Mỹ của ông cũng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Thứ trưởng, Chánh Văn phòng Thủ tướng phủ (1957-1960); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng (1973-1976)…
Phan Anh từng đi học ở nước nào?
A: Liên Xô (nay là Liên bang Nga)
B: Trung Quốc
C: Pháp
D: Thụy Sĩ

Giải thích

Năm 1926, khi mới 14 tuổi, Phan Anh giành được suất học bổng nội trú của Trường Bưởi (Hà Nội). Thời gian này, ông đọc cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 22 tuổi, ông đỗ 3 bằng tú tài: Tú tài Bản xứ, Tú tài Toán và Tú tài Triết học (của Pháp). Sau đó, Phan Anh vào học khoa Luật của Trường Đại học Đông Dương. Tại đây, ông chuyên tâm học tập và tích cực hoạt động chính trị, là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương. Vừa học, ông vừa tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long. Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp á khoa Cử nhân Luật Trường Đại học Đông Dương, sau đó ông được nhận học bổng sang Pháp tiếp tục học tập. Tại đây, ông đỗ 3 bằng tiến sĩ về Công Pháp, Tư pháp và Lịch sử. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), ông trở về Việt Nam hành nghề luật sư, tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng ở Tòa Thượng thẩm Hà Nội.
Luật sư Phan Anh là người đồng sáng lập tờ báo nào?
A: Báo Thanh niên
B: Báo Thanh nghị
C: Báo Sự thật
D: Báo Giải phóng

Giải thích

Năm 1941, luật sư Phan Anh cùng các ông Vũ Đình Hoè và Vũ Văn Hiền lập ra tờ báo Thanh Nghị. Thoạt đầu, báo ra hằng tháng, rồi ra hằng tuần, trở thành một trong những tờ báo được đọc nhiều nhất tại miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn đặc biệt này. Tuần báo Thanh Nghị tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với nước, với dân, không chỉ phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam mà còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển thông qua việc phổ biến thông tin, kiến thức, đấu tranh cho những tiến bộ xã hội... Báo Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945. Cùng năm này, luật sư Phan Anh được Chính phủ Trần Trọng Kim mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên nhưng sau đó ông từ chức. Sau cách mạng tháng Tám, luật sư Phan Anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Tổng Thư ký phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị Phôngtennơblô (6/7 - 13/9/1946). Từ năm 1947-1976, ông giữ các chức vụ Bộ trưởng: Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương; Ủy viên Đoàn Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1990); Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khoá VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII.
Đâu là kỷ vật quý mà Bác Hồ tặng Bộ trưởng Phan Anh?
A: Chiếc bút
B: Chiếc khăn tay
C: Chiếc cân
D: Chiếc đồng hồ

Giải thích

Ngày 13/10/1954, tại Sơn Tây, trong một cuộc họp Chính phủ trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phần thưởng cho một số cán bộ trong Chính phủ có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Riêng Bộ trưởng Phan Anh được Bác tặng chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, hiệu Movado có hình Bác Hồ. Bác nói: “Với những đóng góp của chú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chú đã thực hiện tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nêu cao chính nghĩa vì độc lập, tự do của Tổ quốc... chú xứng đáng được tặng phần thưởng này”. Từ đó, ông sử dụng và giữ gìn chiếc đồng hồ như một kỷ vật thiêng liêng trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng. Năm 1985, chiếc đồng hồ bị hỏng, nhân chuyến công tác tại Thụy Sĩ, ông đã tìm đến tận nơi sản xuất ra chiếc đồng hồ để sửa chữa. Hiện chiếc đồng hồ này đang được lưu giữ như một kỷ vật quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Luật sư Phan Anh giữ chức Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trong bao nhiêu năm?
A: 19
B: 25
C: 32
D: 35

Giải thích

Luật sư Phan Anh là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam (năm 1955) đồng thời được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội. 35 năm lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam (1955-1990), ông đã góp phần quan trọng đưa tổ chức Hội từng bước trưởng thành, lớn mạnh, vị thế ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế. Luật sư Phan Anh cũng được bầu vào làm Ủy viên Thường vụ Hội luật gia dân chủ quốc tế (1955-1990); Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam (1976-1986); Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới (1978-1990). Ông mất ngày 28/6/1990 tại Hà Nội. Với những đóng góp to lớn của mình, luật sư Phan Anh đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Kỷ niệm chương “Bảo vệ hoà bình” của Liên hợp quốc, Huân chương vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hoà bình thế giới…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói