‘Vốn vẫn sẽ là câu hỏi lớn nhất của kinh tế Việt Nam’

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2010 vẫn có thể mang lại cho nhà đầu tư rất nhiều cơ hội, dù trước mắt vẫn ẩn chứa không ít khó khăn.

Người làm nông nghiệp có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Soi vào một nền kinh tế, vào doanh nghiệp thì vốn chẳng khác nào nguồn nước để làm nông. Đây cũng là câu hỏi lớn nhất đối với thị trường tài chính năm nay.

Làm kinh doanh bây giờ, người ta thường chỉ có 20-30% là vốn tự có, phần còn lại là đi vay. Điều này đủ cho thấy doanh nghiệp đã khó khăn thế nào khi ngân hàng thiếu thanh khoản vào cuối năm 2009. Qua năm nay, khó khăn chưa chắc đã ít hơn.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (sinh năm 1932) hiện là nhà tư vấn chiến lược kinh tế cho Chính phủ. Ông từng là cố vấn cao cấp của nhiều tập đoàn đa quốc gia như AIG, KHM… Là một trong 19 cá nhân nhận giải thưởng "Vinh danh nước Việt" lần đầu tiên năm 2004. Ông Thành hiện là CEO của một Quỹ đầu tư vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Việc dừng gói bù lãi suất 4% đúng thời hạn, vào ngày 31/12/2009 vừa qua cũng khiến doanh nghiệp phải làm quen với một mặt bằng lãi suất mới. Không ít trường hợp đang làm việc với lãi suất 6,5% đã sốc khi phải chịu mức lãi 12%. Chi phí vốn đầu vào tăng gấp đôi như vậy, quả là một thử thách.

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến lại cho rằng cần tiếp tục nâng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát có thể trở lại trong năm 2010. Quan điểm này chưa hẳn đã đúng.

Thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như trong năm 2009, đương nhiên sẽ mang đến một số hệ quả không mong muốn. Lạm phát là điều người ta có thể thấy trước chứ không phải một tai nạn. Nhưng thấy trước điều đó là để đưa ra biện pháp khắc phục chứ không phải “đạp phanh”, khiến bánh xe kinh tế dừng lại. Nền kinh tế là một thực thể sống, phải nhấn mạnh yếu tố phát triển ổn định bền vững. Doanh nghiệp cần vốn để tồn tại và phát triển ổn định. Nếu cắt nước, đồng sẽ cháy, ruộng sẽ khô.

Việc chấm dứt gói hỗ trợ lãi suất 4% có thể coi là một quyết định hợp lý. Việt Nam không cần và không thể tiếp tục dùng tiền ngân sách để bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng nhất thiết phải có biện pháp thay thế để giảm sốc. Chẳng hạn, có thể ưu tiên cho một số lĩnh vực tín dụng nhất định, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại…

Đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế là nhiệm vụ của chính sách tài khóa, của Ngân hàng Nhà nước. Giống như một bác sĩ thể thao, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm, hàng ngày, hàng giờ, phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại đo đếm xem nền kinh tế cần bao nhiêu vốn, giống như đo áp suất máu của vận động viên. Phải làm sao cho khi vận động viên đủ sức thi đấu, huyết áp không quả cao để bị “vỡ tim”, cũng không quá thấp để anh ta kiệt sức. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần phát huy hơn vai trò một ngân hàng trung ương, có tính độc lập tương đối trong một số quyết định.

"Nền kinh tế là một thực thể sống, cần được phát triển ổn định, bền vững". Ảnh: N.M

"Nền kinh tế là một thực thể sống, cần được phát triển ổn định, bền vững". Ảnh: N.M

Đối với những lĩnh vực cụ thể của hoạt động tài chính, tôi cho rằng năm 2010 là một năm tương đối phức tạp.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2009 có động lực khá lớn từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Dòng vốn này giải ngân lớn nhất vào quý II. Nếu tính theo kỳ hạn 8 tháng thì thời gian đáo hạn sẽ là quý I năm nay. Đến thời điểm đó, lực bán trên thị trường sẽ rất lớn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Vn-Index.

Thị trường có thể được hỗ trợ nếu các doanh nghiệp niêm yết làm ăn tốt và có báo cáo tài chính sáng sủa trong quý I. Nhưng như đã phân tích ở trên, khó khăn tín dụng vẫn sẽ là lực cản lớn đối với các hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn chưa tuân theo quy luật chung của thế giới, tâm lý bầy đàn vẫn còn chi phối khá nhiều quyết định của nhà đầu tư. Muốn thay đổi điều này, ngoài việc minh bạch hóa thông tin, hoàn thiện khung pháp lý, nhất thiết phải đưa thị trường về đúng với giá trị thật của nó.

Với thị trường bất động sản, tôi cho rằng đã đến lúc cả cơ quan quản lý lẫn người kinh doanh phải quan tâm đến bộ phận khách hàng nhu cầu nhà ở thật sự. Phân khúc nhà ở có giá 10-11 triệu đồng một m2 hiện có nhu cầu rất lớn nhưng lại chưa được quan tâm. Nhà đầu tư hiện vẫn mải mê chạy theo những khu căn hộ cao cấp, vốn đang chịu sức ép rất lớn bởi tình hình kinh tế khó khăn. Tôi nghĩ những nhà đầu tư thông minh, không tham lam lắm sẽ có cơ hội trong năm nay.

Về phía cơ quan quản lý, việc tạo ra cơ sở khuyến khích như tạo quỹ đất, cấp tín dụng mua nhà là rất cần thiết. Chính sách này, nhiều nước đã áp dụng và đạt kết quả cao. Cần nhớ rằng Nhà nước có thể tham gia kinh doanh, nhưng không phải để sinh lời, mà để kích thích lĩnh vực đó phát triển.

Với thị trường vàng, trước mắt, việc cấm kinh doanh vàng tài khoản là đúng, bởi ta chưa có khung pháp lý đầy đủ cho quy định này, dẫn tới một số sàn vàng làm bê bối, gần như là lừa gạt của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là một hoạt động kinh doanh hoàn toàn bình thường trên thế giới, việc cho vay để kinh doanh vàng tài khoản cũng là rất bình thường. Do đó cơ quan quản lý cần nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chỉ cho phép những đơn vị đủ điều kiện tham gia lĩnh vực này.

Nhìn tổng thể, dễ thấy rằng, trước mắt, thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2010 có thể gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này không phải là không thể vượt qua nếu Chính phủ có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như những vấn đề phát sinh do khủng hoảng.

So với đa số các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia ổn định trong và sau “cơn bão” vừa qua. Nếu bước những bước thận trọng, cân nhắc kỹ hậu quả trước mắt và lâu dài, tôi tin hệ thống tài chính vẫn sẽ là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast