Cẩm Xuyên tập trung khống chế, dập dịch LMLM gia súc

Hiện nay, dịch LMLM trên trâu, bò và lợn đã xuất hiện tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Dịch bệnh xuất hiện đúng vào thời điểm người dân đang gia tăng các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, giết mổ. Vì vậy, để hạn chế tối đa sự phát tán, lây lan của dịch bệnh, cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chuyên môn ở huyện Cẩm Xuyên đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Gia đình chị Lê Thị Kiểm ở thôn Quang Trung 1, xã Cẩm Lạc nuôi 4 con bò, 10 con lợn. Ngay sau khi phát hiện lợn bỏ ăn, sốt cao và miệng chảy nhiều nước bọt chị đã báo với thú y địa phương. Sau khi xem xét các biểu hiện của bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình chị Kiểm, ngành chuyên môn đã quyết định cho tiêu hủy 1 lợn mạ và 4 lợn con với tổng trọng lượng 222 kg. Số còn lại đang khỏe mạnh nên những ngày này chị dồn hết thời gian tập trung cho việc chăm sóc đàn vật nuôi, trong đó chú trọng đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, rắc vôi và phun hóa chất Bencoxít xung quanh khu vực nuôi để tiêu độc khử trùng.

Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng dịch LMLM
Cán bộ thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng vùng dịch LMLM

Chị Lê Thị Kiểm – Thôn Quang Trung 1, xã Cẩm Lạc nói: “Gia đình tôi làm dịch vụ xay xát nên chăn nuôi tương đối nhiều so với những hộ khác trong thôn. Khi phát hiện lợn ốm, có những dấu hiệu không bình thường, tôi đã báo cáo ngay và khi có kết luận bị bệnh, gia đình tôi đã sẵn sàng chấp nhận việc tiêu hủy. Cùng đó, hiện nay, tôi chú trọng hơn cho việc dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi nhằm đảm bảo không để dịch bệnh lây lan sang những hộ gia đình khác và cũng để bảo vệ số vật nuôi còn lại của gia đình”.

Ngoài gia đình chị Kiểm thì hiện nay bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên trâu ở một hộ gia đình khác cùng thôn. Xác định đây là loại dịch bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nên để bảo vệ tổng đàn với gần 1.200 con trâu, bò và 824 con lợn, xã Cẩm Lạc đã khẩn trương triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch.

Hiện tại, trạm thú y huyện đã cấp cho Cẩm Lạc 72 lít hóa chất Bencoxit và xã đã sử dụng hơn 8 tạ vôi để tiêu độc khử trùng vùng có dịch. Cùng với đó, Cẩm Lạc đã tiến hành thành lập 2 chốt kiểm dịch để cấm buôn bán, vận chuyển gia súc từ vùng có dịch ra vùng ngoài. Uu tiên hàng đầu hiện nay là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng chống và chấp hành nghiêm các quy định theo pháp lệnh thú y.

Anh Võ Kim Phong – Trưởng ban chăn nuôi thú y xã Cẩm Lạc cho biết: “Thời điểm này do giá thực phẩm tăng cao, nhu cầu thực phẩm lớn nên người chăn nuôi đang tăng cường bổ sung tổng đàn. Ngay khi phát hiện dịch bệnh, chúng tôi đã tiến hành khoanh vùng dịch bệnh, rải vôi và phun hóa chất ở địa bàn của 12/12 thôn; kiểm soát và nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ gia súc trong vùng có dịch. Đẩy mạnh việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại”.

Hiện nay, Cẩm Xuyên có gần 18 ngàn con trâu, bò và 35 ngàn con lợn. Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên người dân đang tiếp tục bổ sung tổng đàn để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết. Vì vậy, thời điểm này ở hầu hết các xã, thị trấn hoạt động buôn bán, vật chuyển, giết mổ gia súc đang được tăng cường. Mặc khác, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân nên ngay trong vùng dịch việc cấm thả gia súc cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đào Tịnh – Trưởng trạm thú y huyện Cẩm Xuyên cho biết một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch LMLM: “Hiện nay, thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp rất dễ cho việc phát tán các loại dịch bệnh, trong khi đó đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM do tình trạng thiếu văcxin chung của tỉnh. Do đó, dịch bệnh xuất hiện ở thời điểm này là rất nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân phải nêu cao tinh thần tự giác, chú trọng chăm sóc đàn vật nuôi. Chính quyền các địa phương phải cử cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện các ổ dịch để khoanh vùng xử lý ngay”.

Với một loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh như LMLM thì để kiểm soát dịch bệnh ngoài sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chuyên môn thì vai trò của người dân là hết sức cần thiết. Không giấu dịch, không giết mổ, vận chuyển gia súc đi nơi khác – đó là việc làm hiệu quả nhất để người dân giảm được thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra cho chính bản thân, gia đình mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast