Chờ World Cup bùng cháy ở Qatar

Qatar đang chờ đợi một cơn sốt bóng đá dù cái nắng buổi trưa và chiều ở đây có vẻ như không hề thích thú với World Cup.

Chờ World Cup bùng cháy ở Qatar

Người hâm mộ bóng đá thế giới đang dồn về Qatar để chứng kiến một World Cup đặc biệt. Ảnh: AP.

Không có những cảnh treo cờ Qatar hoặc ảnh cầu thủ của họ trong các quán ăn, tiệm hút shisha, trên các đường phố hay các khu chung cư. Không có những cuộc diễu hành bằng xe hơi qua các đường phố Doha như không ít nhà báo đã kỳ vọng với mong muốn phản ánh bầu không khí ở nơi này vào lúc trận khai mạc Qatar - Ecuador đã đến rất gần.

Chưa nóng không có nghĩa là không bùng cháy

Khung cảnh ấy có vẻ cho thấy Qatar không phải một quốc gia bóng đá kể cả khi đất nước nhỏ bé này đang làm tất cả những gì có thể để chứng minh điều ngược lại. Những ngày trái bóng sắp lăn, một triển lãm có tên “Lịch sử bóng đá Qatar: Khám phá hành trình 75 năm” đã được khai trương, cho thấy kể từ khi người ta bắt đầu tạo nên những sân cỏ xanh đầu tiên của bán đảo Arab trên cát trắng sa mạc vào những năm 1960, những điều thần kỳ đã xuất hiện ở nơi đây.

Qatar đã phát triển một cách ngoạn mục giải vô địch quốc gia của họ từ cuối những năm 1990, đã giành quyền đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010 và vào năm 2019, họ giành chức vô địch châu Á. Trước đó, bàn tay của những ông chủ Qatar đã vươn tới tận Paris để thâu tóm PSG và biến đội bóng ấy thành tâm điểm hình ảnh lung linh cho sự giàu có của Qatar với thế giới như một thứ quyền lực mềm.

Chờ World Cup bùng cháy ở Qatar

Sức nóng của World Cup 2022 ở Qatar sẽ "đốt cháy" cả thế giới. Ảnh: Marca.

Nhưng bất kể điều đó, những cơn sốt vẫn chưa thực sự diễn ra như người ta từng kỳ vọng, có lẽ bởi kết cấu dân số Qatar đã ngăn cản điều ấy. 90% dân số nước này là người nhập cư và không phải ai trong số họ cũng ủng hộ đội bóng của nước chủ nhà, vốn là nơi họ đang sinh sống chứ không phải nơi họ ra đời.

Nhưng Qatar không tổ chức World Cup này chỉ cho thế giới. Những toà nhà ở trung tâm Doha trang hoàng lộng lẫy và lung linh dưới ánh đèn với những tấm pano khổ lớn cao hàng chục mét có ảnh các cầu thủ tiêu biểu của những đội tuyển dự World Cup không chỉ để cho du khách và các cổ động viên ngắm nghía chụp ảnh.

Những sân bóng và các tuyến đường cao tốc rộng mênh mông không mọc lên trên sa mạc chỉ để khoe với thế giới về việc Qatar quá giàu. Họ hiểu rằng tình yêu bóng đá không đến chỉ sau một đêm cũng như các sân vận động không thể đột nhiên xuất hiện trên sa mạc. World Cup này cũng như giải vô địch Qatar và Học viện Aspire chính là những viên gạch xây nên tình yêu ấy.

Fahad, một người Qatar tôi đã nói chuyện ở Corniche, con đường rất đẹp chạy dọc bờ biển của Doha, khẳng định rằng, người Qatar yêu đội tuyển của họ và thế giới sẽ thấy những biển cờ Qatar ở sân Al Bayt vào ngày khai mạc. “Chưa nóng không có nghĩa là không bùng cháy”, anh nói, “Sự thật là ở đây người ta mê đua lạc đà và có thú vui chơi chim ưng. Nhưng bóng đá không bao giờ là một thú tiêu khiển hạng bét”.

Đúng thế, người Qatar có thể vung ra rất nhiều tiền để tổ chức World Cup, để tậu PSG và tạo ra những kênh thể thao bậc nhất như beIN Sports. Nhưng họ không làm điều đó chỉ cho thế giới. Có điều, họ vẫn cần một thứ gọi là “bản sắc”, thứ mà đội tuyển Qatar phải làm để đại diện cho họ tạo nên những cảm xúc lớn hơn. Và cơ hội để cho thấy điều đó chính là World Cup này.

Chờ World Cup bùng cháy ở Qatar

Đất nước nhỏ bé Qatar ngóng chờ từng ngày đếm ngược đến lễ khai mạc. Ảnh: FIFA.

“Vì niềm tự hào của Qatar”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh beIN Sports ngay sau một buổi tập trước ngày khai mạc, HLV Qatar, Felix Sanchez, đã kêu gọi các “fan” bóng đá ở Qatar ủng hộ đội tuyển mà ông dẫn dắt. “Tôi hy vọng các bạn sẽ thưởng thức World Cup ở Qatar và ủng hộ đội tuyển của chúng ta”, vị HLV 47 tuổi nói, “Chúng tôi cần sự ủng hộ của các bạn và chúng tôi sẽ cố gắng làm các bạn tự hào về đội bóng này”.

HLV tới từ Tây Ban Nha, người đã đứng đầu đội tuyển Qatar từ năm 2017, cũng hy vọng rằng đội của ông sẽ có một màn trình diễn tốt đẹp với Ecuador để mở màn giải đấu mà họ kỳ vọng ít nhất qua được vòng bảng. Ecuador thực ra là đối thủ vừa tầm nhất mà Qatar đối mặt ở bảng của mình bởi hai đội mà họ sẽ gặp sau đó, Hà Lan và Senegal, đương kim vô địch châu Phi, đều mạnh hơn Qatar rất nhiều.

Trên thực tế, các đội chủ nhà World Cup gần nhất đều có những cơn ác mộng ở giải đấu trên đất họ. Brazil thua Đức đến 1-7 ở bán kết World Cup 2014, Nga bị loại đau đớn dưới tay Croatia 4 năm sau đó còn ở World Cup 2010, Nam Phi thậm chí không vượt qua được vòng bảng. Trong khi người Nga tự hào vì ít ra đội tuyển của họ cũng để lại vài ấn tượng tốt đẹp ở World Cup 2018 thì người Nam Phi và người Brazil cay đắng phàn nàn rằng họ đã chi biết bao tiền để làm cho người khác vui.

Nếu thất bại xảy ra với Qatar, có lẽ ở đây người ta cũng không phàn nàn gì. Đơn giản bởi họ chẳng có lý do gì để làm việc đó khi Qatar đã giới thiệu hình ảnh của mình ra thế giới một cách hoàn hảo. Đó không phải là Qatar xấu xí như những ấn tượng mà báo chí phương Tây, đặc biệt là báo chí Anh, đã ra sức thêu dệt, mà là một Qatar đa văn hoá, đa sắc tộc và rất cởi mở với thế giới.

Thậm chí trước khi trái bóng khai mạc lăn, một chiến dịch quảng bá du lịch rộng lớn với đại sứ hình ảnh là huyền thoại Andrea Pirlo đã được phát trên tivi, trên các mạng xã hội với tiêu đề “No Football, No Worries” (Không bóng đá cũng chẳng phiền muộn). Nó được coi là một động thái quan trọng nhằm quảng bá du lịch Qatar với hình ảnh về những đụn cát sa mạc, về sự đa dạng văn hoá của bán đảo và về những điều tuyệt diệu khác mà Qatar đem đến cho mọi người.

Thông điệp của Pirlo rất đơn giản. Anh nói: “Dù bạn là người hâm mộ thể thao hay không, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức Qatar, có thể có những trải nghiệm về văn hoá và nhiều hoạt động thú vị khác như tôi đã từng có”. World Cup chỉ một tháng thôi và Qatar đã bắt đầu những chiến dịch thu hút mọi người đến đây hậu World Cup. Ngọn lửa tình yêu bóng đá của người dân nơi đây có bùng lên mạnh mẽ hay không chưa ai biết nhưng sẽ là một Qatar đẹp đẽ, đầy hấp dẫn với tất cả để có thể đến và trải nghiệm khi trái bóng đã ngừng lăn.

Chờ World Cup bùng cháy ở Qatar
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast